Đề xuất 6 sáng kiến để phát triển nông nghiệp thông minh
Cập nhật ngày: 26/01/2018 13:07:05
ĐTO - Nằm trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Nông nghiệp thông minh - cơ hội và thách thức với nông nghiệp Việt Nam", chiều 25/1, hội thảo tiếp tục thảo luận 2 chuyên đề về “Ứng dụng công nghệ cao và CNTT trong sản xuất và quản lý sản xuất" và chuyên đề về “Ứng dụng tiếp thị số và thương mại điện tử để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” nhằm phát triển nông nghiệp thông minh hiện nay.
Quang cảnh hội thảo
Qua 2 phiên thảo luận này, Ban tổ chức ghi nhận 6 đề xuất của các đại biểu nhằm phát triển nông nghiệp thông minh của Việt Nam nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, gồm: việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất xoài để đưa mặt hàng trái cây này xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới và nâng cao vị thế xoài Cao Lãnh trong tương lai; việc phối hợp giữa các bên để có thể chuyển kết quả từ phòng nghiên cứu ra được thị trường và đến với doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi 2 yếu tố: thứ nhất là tất cả những việc này phải hướng đến mô hình kinh doanh có đầu ra phù hợp; thứ 2 là đòi hỏi những bên làm nghiên cứu và những doanh nghiệp làm công nghệ có sự đi sâu sát hơn với người sử dụng để tương thích với trình độ người sử dụng là người nông dân.
Đề xuất tiếp theo là việc nâng cao trình độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ của nông dân và của người dùng. Vì vậy, trong các chương trình đào tạo cần đưa kiến thức về nông nghiệp thông minh đến với học sinh, sinh viên và nhiều đối tượng tiếp cận.
Các đại biểu cũng đề xuất cần có một mô hình hợp tác công tư hướng đến nông nghiệp thông minh. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối giữa nhà công nghệ và nhà doanh nghiệp thông qua cổng thông tin, đăng tải đầy đủ, minh bạch nhất các thông tin của nhau để các bên dễ dàng tìm thấy đối tác của mình; tham gia các chuỗi bán hàng, quảng bá sản phẩm nông nghiệp thông minh với người tiêu dùng.
Làm nền tảng cho 6 đề xuất trên, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Liên bang Úc và Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sydney, đại diện một số doanh nghiệp tại Đồng Tháp,… cam kết sẽ đầu tư kinh phí để thực hiện mô hình ứng dụng nông nghiệp thông minh tại ĐBSCL.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan bày tỏ sự cảm kích trước đề xuất trên và mong muốn Bộ khoa học và Công nghệ ủng hộ Đồng Tháp được làm “chuột bạch” để các Viện, trường, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đưa mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng tại một địa phương cụ thể để có một sản phẩm cụ thể.
Bí thư chia sẻ, Đồng Tháp có niềm tin và cơ sở để triển khai tiếp các chương trình cụ thể khi địa phươnglà tỉnh được Chính phủ chọn thí điểm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Địa phương sẽ khuyến nghị những chính sách đặc biệt để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng đề xuất thêm hợp phần nâng cao năng lực của cộng đồng để hướng đến nông nghiệp thông minh, với mục tiêu giúp cho người ông dân từng bước có cơ hội tiếp cận nông nghiệp thông minh.
Hội thảo "Nông nghiệp thông minh - Cơ hội và thách thức với nông nghiệp Việt Nam" do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp, Đại sứ quán Australia và Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 25/1.
Hội thảo nhằm phân tích các hiện trạng, tìm kiếm các giải pháp, hợp tác quốc tế để Đồng Tháp sẵn sàng tiếp cận, tranh thủ những lợi ích từ cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Đây cũng là hành động thiết thực cụ thể hóa chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và giảm thiểu những tác động tiêu cực của làn sóng này ở Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp.
|
Thảo Vy