Nỗ lực của Đồng Tháp trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo

Cập nhật ngày: 01/11/2013 05:31:52

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời sớm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết bằng chương trình hành động, xây dựng nhiều đề án, dự án để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như ban hành Quyết định số 1531/QĐ-UBND-HC, ngày 12/11/2009 về việc phê duyệt Đề án đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp; Quyết định số 833/QĐ-UBND-HC ngày 20/9/2011 về phê duyệt Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển lò sấy lúa trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2013; Quyết định số 1074/QĐ-UBND-HC ngày 25/11/2011 về xây dựng quy trình canh tác lúa tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tỉnh, giai đoạn 2011-2013.

Ngoài ra, UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ nguồn kinh phí kiên cố hóa kênh mương, cấp bù thủy lợi phí, nghiên cứu khoa học, khuyến nông, phát triển cánh đồng liên kết,... nhằm thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Chính phủ, chính sách tạm trữ lúa gạo và xây dựng, quảng bá thương hiệu lúa gạo tỉnh Đồng Tháp,... nhằm giúp cho các ngành, các cấp và nhân dân trong toàn tỉnh nhận thức được chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh lúa gạo trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch đối với nông sản theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh phối hợp với các ngân hàng giải ngân cho doanh nghiệp và người dân số tiền gần 571 tỷ đồng để đầu tư hơn 50 lò sấy lúa, 660 máy gặt đập liên hợp và 3 kho tạm trữ, trong đó thực hiện hỗ trợ lãi suất gần 150 tỷ đồng. Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT phân bổ cho 6 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng kho dự trữ tổng sức chứa 314 ngàn tấn lúa trong chương trình quy hoạch hệ thống dự trữ 4 triệu tấn lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó đã tác động tích cực đối với sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân và góp phần nâng cao tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa của tỉnh Đồng Tháp trên 84% diện tích. Thông qua các biện pháp hạ giá thành trong sản xuất đã tiết kiệm chi phí hằng năm cho nông dân trên địa bàn tỉnh trên 200 tỷ đồng.

Đồng Tháp cũng quan tâm thực hiện tốt Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ bằng cách đã cụ thể hóa chương trình phát triển cánh đồng liên kết. Năm 2012, diện tích thực hiện cánh đồng liên kết trên toàn tỉnh là 17.127ha, đến năm 2013, thực hiện trên diện tích 43.593ha. Đối với chính sách thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên cây lúa ở 3 huyện Tân Hồng, Tháp Mười và Châu Thành, bước đầu nhận được sự quan tâm của người dân, giúp họ thấy được lợi ích khi tham gia bảo hiểm và chia sẻ rủi ro khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng hằng năm tỉnh Đồng Tháp cũng thực hiện tốt chính sách đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ và khuyến nông nhằm phát triển sản xuất lúa gạo trên địa bàn. Trung bình, mỗi năm ngân sách tỉnh đầu tư 6 tỷ đồng cho công tác khuyến nông, trong đó các chính sách liên quan trực tiếp và gián tiếp cho cây lúa là 2,8 - 3,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trung bình trong 2 năm 2012 và 2013, tỉnh phân bổ nguồn vốn 75 tỷ đồng để thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn. Tỉnh cũng không ngừng phấn đấu trong thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển diện tích đất trồng lúa theo Nghị định 42 của Chính phủ. Năm 2012, tỉnh bố trí 112,6 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và năm 2013 bố trí 225,2 tỷ đồng.

Có nhiều nỗ lực trong thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn, tuy nhiên tỉnh Đồng Tháp vẫn còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách. Cụ thể như mô hình cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đạt kết quả khiêm tốn, chỉ đạt 11,6% tổng diện tích sản xuất lúa do những trở ngại về tập quán sản xuất nhỏ lẻ của nông dân; hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém; các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội nghề nghiệp chưa thật sự vào cuộc tích cực trong việc vận động xây dựng cánh đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm;...

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần quan tâm tuyên truyền cho người dân hiểu về chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp; đổi mới quy hoạch sản xuất; quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc và hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ về cánh đồng liên kết, đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch và tiêu thụ nông sản nhằm tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn