Nông dân sử dụng giống xác nhận ngày càng tăng

Cập nhật ngày: 03/05/2013 05:46:07

Sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa góp phần làm tăng năng suất và sản lượng. Nhà nước khuyến cáo nông dân nên sử dụng giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ, ruộng lúa sẽ phát triển đồng đều, hạn chế sâu bệnh và cỏ dại, năng suất tăng từ 10-20%, đặc biệt là giúp tăng phẩm chất và giá trị hạt gạo xuất khẩu.


Sản xuất lúa giống ở trại giống Động Cát

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nông dân chưa sử dụng giống xác nhận, nguyên nhân do giá lúa giống còn khá cao, gấp 1,5 - 2 lần so với giá lúa lương thực, lại tốn thêm chi phí vận chuyển, bốc vác...; ở một số đơn vị sản xuất, kinh doanh giống, chất lượng hạt giống còn thấp, chưa đáp ứng số lượng hoặc chủng loại giống theo nhu cầu; những hộ có diện tích nhỏ lẻ thường không quan tâm, hoặc một số ít nông dân do không nắm bắt kịp thời những thông tin tiến bộ kỹ thuật mới nên chưa mạnh dạn sử dụng.

Nhu cầu thị trường hiện có một tỷ lệ cân đối nhất định giữa diện tích sản xuất giống lúa chất lượng cao và chất lượng thấp, thông thường giống chất lượng cao chiếm 65-70% và giống chất lượng thấp chiếm 30-35%. Nếu năm nào tỷ lệ này mất cân đối, giống chất lượng thấp được trồng nhiều thì năm đó giá lúa chất lượng thấp giảm và ngược lại giống chất lượng thấp được trồng ít, chiếm tỷ lệ dưới 30% thì năm đó lúa chất lượng thấp bán được giá. Do đó, khi thấy người dân có xu hướng trồng nhiều IR 50404 thì Nhà nước khuyến cáo nông dân nên giảm lại, nhằm ổn định giá lúa.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ lúa chất lượng cao xuất khẩu của nước ta ngày càng tăng. Vì vậy, nông dân sử dụng giống xác nhận ngày càng nhiều. Năm 2012, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm xuất khẩu chiếm tỷ lệ 49%, gạo 25% tấm chỉ đạt 13%. Hơn nữa theo nhận định chung, thị trường nhập gạo cấp thấp của Việt Nam có xu hướng đang bị gạo của Ấn độ, Myanmar cạnh tranh với giá thấp và nước ta sẽ gặp khó trong cạnh tranh xuất khẩu gạo cấp thấp trong tương lai.

Để hạn chế trồng giống chất lượng thấp, nhất là giống IR 50404, trong vài năm gần đây có một số giống có khả năng cho năng suất và chất lượng cao, thích nghi với đồng ruộng Đồng Tháp như: OM 5451, OM 5464, OM 4900, OM 6976,... Ngoài ra còn một số giống có triển vọng nhưng chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận như: OM 6932, OM 6904, OM 6328.

Trong thời gian qua, chủ trương xã hội hóa công tác giống phát triển mạnh, trên địa bàn tỉnh có nhiều thành phần tham gia sản xuất lúa giống. Thành phần Nhà nước: Ở cấp tỉnh, chủ lực là Trung tâm Giống nông nghiệp Đồng Tháp với 2 trại chuyên sản xuất lúa giống là Động Cát và An Phong; ở cấp huyện là các trại giống thuộc huyện quản lý, hiện nay có một số trại hoạt động tốt như: thị xã Hồng Ngự, huyện Tháp Mười, huyện Lấp Vò... Thành phần tư nhân gồm các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống như: Ngô Khuê, Phước Sương, Thanh Ty, Phương Minh, Công ty CP giống Nông nghiệp Đồng Tháp... Ngoài ra còn có các cá nhân, Câu lạc bộ (CLB), Hợp tác xã (HTX), tổ nhân giống ở khắp các địa phương trong tỉnh.

Các cá nhân, HTX, CLB, tổ nhân giống này ký hợp đồng sản xuất bao tiêu lúa giống với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống. Có trường hợp nông dân tự để giống bằng cách chọn một diện tích có lúa phát triển tốt trổ bông đồng đều, ít cỏ và lúa cỏ, thu hoạch riêng để làm giống.

Để củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của loại hình sản xuất giống trong dân, cần đào tạo cán bộ quản lý kinh doanh HTX và tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng giống lúa đúng chuẩn, cấp giống xác nhận để sản xuất; giúp cho nông dân hiểu được lợi ích và hiệu quả của việc trồng giống đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần tổ chức, xây dựng, củng cố và phát triển mạng lưới nhân giống cơ sở; hỗ trợ kỹ thuật sản xuất giống, một phần giá giống cấp nguyên chủng và trang thiết bị chế biến hạt giống để khuyến khích các cá nhân, HTX, CLB, tổ nhân giống sản xuất giống xác nhận đạt tiêu chuẩn cung ứng cho sản xuất đại trà.

AQ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn