Nông dân Tân Hồng tích cực hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản

Cập nhật ngày: 19/09/2023 15:35:58

http://baodongthap.com.vn/database/video/20230919033644dt5-7.mp3

 

ĐTO - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (ND) trên địa bàn huyện Tân Hồng đẩy mạnh tuyên truyền về hỗ trợ ND khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hướng sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc, sản phẩm OCOP mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.


Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tân Hồng Nguyễn Minh Ngọc (thứ 3 từ phải sang) khảo sát thực tế mô hình trồng sầu riêng của nông dân xã Tân Phước

Theo đồng chí Đinh Văn Đậm - Chủ tịch Hội ND huyện Tân Hồng, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội ND tỉnh nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp Hội ND trong huyện cụ thể hóa thông qua các chương trình, kế hoạch, đồng thời gắn với phát động các phong trào thi đua hàng năm. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ ND khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hướng sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc, sản phẩm OCOP mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên (HV), ND của địa phương.

Các cấp Hội ND huyện Tân Hồng thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp cho HV,ND; tăng cường các hoạt động hỗ trợ ND về quy trình thủ tục, tiếp cận các nguồn vốn, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cao, quy trình sản xuất theo hướng an toàn. Qua đó, giúp ND có điều kiện xây dựng các mô hình khởi nghiệp, sản phẩm khởi nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, chú trọng nguồn nguyên liệu đầu vào là sản phẩm có sẵn tại địa phương, góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng và lợi nhuận cho ND.

Từ 1 điểm của mô hình trồng trong nhà lưới theo công nghệ Israel với quy mô diện tích 1.000m2, đến nay, địa phương nhân rộng được 2 điểm với quy mô 3.500m2; hỗ trợ 2 cơ sở sản xuất nấm rơm trong nhà xây dựng nhãn hiệu, đóng gói bao bì sản phẩm; đưa vào hoạt động 1 cơ sở du lịch sinh thái, quy mô diện tích trên 30.000m2 với không gian mát mẻ, thu hút nhiều khách tham quan trải nghiệm. Ngoài ra, Hội ND huyện Tân Hồng chủ trì, vận động thành lập được 1 Câu lạc bộ khởi nghiệp có 33 thành viên tham gia, với trên 40 sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP. Đặc biệt, Cửa hàng khởi nghiệp đưa vào hoạt động đã hỗ trợ các thành viên Câu lạc bộ tham gia trưng bày, mua bán sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm đặc trưng gắn với việc quảng bá hình ảnh địa phương.

Hiện, toàn huyện có 95 Tổ hợp tác, 12 Hợp tác xã nông nghiệp, 9 HV, ND với tổng số gần 9.350 hội viên ND tham gia. Các mô hình kinh tế hợp tác tạo điều kiện cho ND cùng nhau liên kết tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn để cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp thu mua. Song song đó, các cấp Hội phát động phong trào: ND đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được đông đảo ND hưởng ứng, nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Việc liên kết và tiêu thụ lúa hàng hóa được thực hiện năm sau luôn cao hơn năm trước, Cụ thể, năm 2018 diện tích trồng lúa gắn với liên kết tiêu thụ được 10.500ha, năm 2023 ước tổng diện tích đạt trên 20.000ha; ND tích cực áp dụng quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”... góp phần tăng lợi nhuận cho ND.

Thực hiện Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, Hội ND phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Tân Hồng tổ chức tuyên truyền, vận động những tập thể, cá nhân có các sản phẩm nông nghiệp, chế biến tham gia đăng ký sản phẩm OCOP hàng năm. Qua thực hiện đến nay, trên địa bàn huyện hiện có 17 sản phẩm OCOP xét đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Nhìn chung, ý thức về sản xuất sản phẩm an toàn gắn với liên kết tiêu thụ, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được HV,ND quan tâm. Từ đó, huyện Tân Hồng tiếp tục quan tâm phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, nhằm huy động ND tham gia liên kết làm ra sản phẩm hàng hóa với qui mô và khối lượng lớn, đủ sức hấp dẫn các công ty, doanh nghiệp trong cung ứng và tiêu thụ nông sản. Chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn