TP CAO LÃNH
Nông nghiệp, nông thôn khởi sắc
Cập nhật ngày: 30/11/2023 16:59:00
ĐTO - Thời gian qua, Thành ủy, UBND TP Cao Lãnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm nghèo bền vững. Địa phương xem đây là nhiệm vụ chính trị, xuyên suốt trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp.
Xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh - hệ thống đường xã nông thôn mới nâng cao đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng
DIỆN MẠO MỚI Ở NÔNG THÔN
Với sự quyết tâm và chung tay của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Cao Lãnh trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, bộ mặt các xã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều tuyến đường giao thông được nâng cấp, mở rộng cùng với hệ thống đèn chiếu sáng, cột cờ, cổng ngõ được xây dựng khang trang, sạch đẹp hơn; nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng thay thế những căn nhà tạm, dột nát. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao thông qua chương trình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất; nhiều lao động nhàn rỗi, lao động trẻ được đào tạo nghề, có việc làm tăng thêm thu nhập cho gia đình.
TP Cao Lãnh xác định thực hiện chương trình NTM là do Nhân dân làm chủ thể và hưởng thụ. Nhiều mô hình, cách làm hay được sự thống nhất và đồng thuận cao, mang lại hiệu quả thiết thực gắn kết tinh thần đoàn kết, tự quản, tự chủ trong cộng đồng dân cư. Cấp ủy, chính quyền tăng cường vận động, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM theo phương châm: Dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng và tự quản, tự phòng ngừa, tự bảo vệ, tự hòa giải tại cơ sở; nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM.
Ông Đặng Văn Những ngụ ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh là một trong những người tiên phong, gương mẫu cùng với chính quyền địa phương tham gia xây dựng NTM và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện, ông Những làm Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán, đồng thời làm Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất xoài theo hướng hữu cơ. Ông Những chia sẻ: “Kết quả của việc xây dựng NTM là người dân thụ hưởng nhiều công trình dân sinh và nhiều lợi ích khác nên bản thân, gia đình đồng thuận, tích cực tham gia để phát triển quê hương thêm giàu đẹp. Tôi tự nguyện xây dựng điểm sinh hoạt Tâm Quê Hội quán tại nhà để tập hợp nhiều nông dân trồng xoài, cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và bàn chuyện làm ăn lâu dài”.
Sau khi đạt chuẩn NTM, các xã triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM hướng tới chuẩn NTM nâng cao đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Hằng năm, UBND TP Cao Lãnh chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã lập kế hoạch rà soát, bảo trì, duy tu các tuyến đường xã, đường ấp, liên ấp, đường ngõ xóm; đồng thời đầu tư mới các hạng mục cần thiết như: biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, cây xanh... đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Sau 2 năm thực hiện xây dựng NTM nâng cao, thành phố có 2 xã: Tịnh Thới, Tân Thuận Tây đạt NTM nâng cao; 2 xã: Hòa An, Tân Thuận Đông đang đề nghị tỉnh xét công nhận.
Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND TP Cao Lãnh xác định mục tiêu theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn hiệu quả, bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Địa phương quan tâm đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông nghiệp theo hướng đa mục tiêu phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp xây dựng NTM; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp; nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nông thôn.
TP Cao Lãnh xác định xoài là ngành hàng chủ lực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp
TP Cao Lãnh xác định 2 ngành hàng chủ lực là xoài, hoa kiểng gắn với phát triển chuỗi giá trị và thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Thực hiện công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp, thành phố đã triển khai thực hiện mô hình dữ liệu bản đồ nông sản thí điểm tại 2 ấp: Tân Hậu, Tân Dân của xã Tân Thuận Tây, có 410 hộ dân tham gia với diện tích hơn 158ha. Sau đó, tiếp tục triển khai nhân rộng tại 3 xã: Tân Thuận Đông, Mỹ Ngãi, Tịnh Thới.
Ông Nguyễn Phước Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh cho biết, mô hình nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, tiết giảm chi phí trung gian, kết nối những người sản xuất với nhau. Đồng thời giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin sản xuất để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị góp phần tạo sự đồng thuận, gắn kết phát triển bền vững.
CHUNG TAY GIẢM NGHÈO
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn TP Cao Lãnh được triển khai thực hiện hằng năm với sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự nỗ lực của cán bộ làm công tác giảm nghèo cùng với Nhân dân. Qua đó, đạt nhiều kết quả quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, nhất là người nghèo, hộ nghèo.
Các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo như: hỗ trợ nhà ở, vay vốn sản xuất, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề. Cùng với đó, địa phương thường xuyên đến từng hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo, hộ cận nghèo vướng vào tệ nạn xã hội để có kế hoạch giáo dục, giúp đỡ các hộ này vươn lên thoát nghèo. Công tác an sinh xã hội ngày càng được các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân quan tâm chia sẻ với địa phương. Trong năm 2023, thành phố cất mới 11 căn, sửa chữa 4 căn nhà tình nghĩa với số tiền 770 triệu đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố vận động cất 90 căn nhà đại đoàn kết với số tiền trên 8,3 tỷ đồng.
Lao động nông thôn thu nhập ổn định với nghề đan ghế nhựa
UBND TP Cao Lãnh đã chỉ đạo UBND xã, phường tổ chức rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ sống bằng nghề nông có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố đảm bảo đúng quy trình, thực chất, công khai, dân chủ, có thực hiện niêm yết công khai để người dân giám sát, theo dõi. Trong năm 2023, UBND thành phố chỉ đạo các ngành và các xã, phường rà soát nhu cầu vay vốn của đối tượng để triển khai thực hiện mô hình dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.
Ông Lê Nhựt Trường - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cao Lãnh cho biết, năm 2023, qua kết quả rà soát, đánh giá biến động hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số hộ dân cư là 47.470 hộ. Trong đó, hộ thoát nghèo là 108 hộ (đạt 114,5% so với chỉ tiêu đề ra), tổng số hộ nghèo cuối năm là 384 hộ, chiếm 0,81%; hộ thoát cận nghèo 195 hộ, tổng số hộ cận nghèo cuối năm là 1.203 hộ.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến các xã, phường nên Chương trình MTQG giảm nghèo được triển khai và thực hiện rộng khắp trên địa bàn. Các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thuộc thành phố và xã, phường đã bám sát vào nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch, từ đó nhiều chính sách xã hội được triển khai thực hiện hỗ trợ giúp đỡ cho người nghèo.
Ông Nguyễn Phước Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh cho biết, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nên số hộ nghèo giảm đạt và vượt chỉ tiêu hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo mặt bằng chung của cả tỉnh. Các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo ngày càng được nâng lên.
DƯƠNG ÚT