Nữ doanh nhân 8X và ước mơ “khoác áo mới” cho củ ấu Lấp Vò
Cập nhật ngày: 18/03/2022 14:46:37
ĐTO - Tạm gác công việc kinh doanh ổn định tại TP Hồ Chí Minh, năm 2021, chị Lê Kim Châu (SN 1980) trở về quê hương Long Hưng B, huyện Lấp Vò để khởi nghiệp với sản phẩm củ ấu, một loại đặc sản nổi tiếng của quê hương Lấp Vò. Không lựa chọn khai thác giá trị của củ ấu theo cách thông thường, chị Kim Châu đã ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để khởi nghiệp với củ ấu. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn ở giai đoạn sơ khai, nhưng sau nhiều nỗ lực, chị Châu đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm từ củ ấu và được thị trường đánh giá cao.
Chị Lê Kim Châu (thứ hai từ phải sang) giới thiệu sản phẩm củ ấu tại hội nghị kết nối tiêu thụ giữa doanh nghiệp Đồng Tháp với Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ tổng hợp Wincommerce
Chật vật khởi nghiệp với củ ấu quê hương
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát dữ dội giữa năm 2021 vừa qua, chị Lê Kim Châu rời TP Hồ Chí Minh về quê nhà huyện Lấp Vò tạm tránh dịch. Trong giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng hàng hóa gần như bị đứt gãy đã khiến cho nhiều mặt hàng nông sản của địa phương rơi vào tình trạng ùn ứ, khó khăn trong tiêu thụ. Chứng kiến tình cảnh nhiều nông dân đứng trước nguy cơ “trắng tay” do không thu hồi được vốn đầu tư, chị Kim Châu và một số bạn bè, người thân trong gia đình đã đứng ra thực hiện hỗ trợ nông dân địa phương tiêu thụ nông sản. Nhờ sự chung tay của người thân và bạn bè, nhiều chuyến xe chở nông sản từ Đồng Tháp về TP Hồ Chí Minh đã được thông suốt, hàng trăm tấn rau, củ, quả của nông dân Đồng Tháp đã được chị Châu và bạn bè khắp nơi kết nối tiêu thụ hiệu quả. Nhìn thấy “điểm nghẽn” trong chuỗi sản xuất nông nghiệp của người nông dân đã khiến chị Kim Châu quyết tâm trở về quê hương để khởi nghiệp với ngành chế biến nông sản.
Chị Lê Kim Châu - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Đất Sen hồng, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò bày tỏ: “Sau đợt dịch vừa qua, tôi nhận thấy quê hương mình có rất nhiều loại nông sản, đặc sản có giá trị kinh tế cao nhưng phần nhiều chỉ dừng lại ở việc bán tươi là chủ yếu. Bán nông sản tươi giúp giải quyết được lượng hàng hóa lớn và nhanh, nhưng trong giai đoạn chính vụ hoặc vào những thời điểm khó khăn trong khâu tiêu thụ thì bán nông sản tươi không mang lại hiệu quả tối ưu. Do đó, tôi suy nghĩ sẽ trở về quê khởi nghiệp với ngành chế biến. Và, sau nhiều cân nhắc, tôi chọn củ ấu để đi đường dài trong hành trình khởi nghiệp của mình. Bởi trong quá trình tìm hiểu, tôi nhận thấy cây ấu là một loại cây trồng thủy sinh rất đặc biệt. Củ ấu không chỉ có thành phần dinh dưỡng đa dạng mà tất cả các bộ phận của cây ấu đều có dược tính quý được chiết xuất để sử dụng trong y học và bào chế mỹ phẩm”.
Song, cũng như nhiều startup khác, con đường khởi nghiệp của chị Kim Châu ở buổi đầu vô cùng gian nan. Bởi, cây ấu là loại cây trồng đặc thù nên từ công đoạn thu hoạch ngoài đồng đến khâu tách vỏ và bảo quản củ ấu tươi sau khi tách vỏ cũng là một câu chuyện dài mà nếu không áp dụng máy móc và công nghệ hiện đại thì rất khó để thành công.
Theo chị Châu, để củ ấu tươi sau khi tách vỏ và đóng gói được giữ đúng màu sắc và hương vị ban đầu thì doanh nghiệp (DN) của chị phải tổ chức thu hoạch và chế biến trong vòng 1 ngày và không để sản phẩm tồn qua đêm. Nếu không xử lý được trong ngày, củ ấu sẽ bị chuyển màu đen và giảm hương vị tươi ngon. Sau nhiều mẻ củ ấu bị hư do bảo quản không đúng cách, cuối cùng được sự “giúp sức” từ các chuyên gia trong ngành công nghệ thực phẩm, chị Kim Châu đã tìm được “chìa khóa” để duy trì chất lượng củ ấu tươi sau khi tách vỏ. Đây chính là một trong những vấn đề then chốt giúp sản phẩm củ ấu tươi được kéo dài thời gian sử dụng, cũng như thuận lợi hơn trong việc tiếp cận khách hàng ở các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.
Áp dụng khoa học công nghệ giúp tăng giá trị cho đặc sản nhà quê
Sau khi thành công với việc bảo quản sản phẩm củ ấu tươi, chị Kim Châu bắt đầu nghiên cứu phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới được chế biến từ củ ấu. Trong đó, một số sản phẩm đang được thị trường đánh giá cao như: bột sữa củ ấu uống liền, bột ấu bánh canh. Chị Kim Châu dự kiến sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới được chế biến từ củ ấu của quê hương Lấp Vò như: snack củ ấu, nui, hủ tiếu, cháo ăn liền được chế biến từ củ ấu... để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Về ước mơ mang sản phẩm củ ấu của quê hương Lấp Vò “vươn mình ra biển lớn”, chị Lê Kim Châu nói: “Lựa chọn khởi nghiệp từ cây ấu là một quyết định mạo hiểm của tôi. Bởi, nếu chỉ áp dụng những kỹ thuật chế biến thông thường sẽ không bao giờ khai thác được hết những giá trị tiềm năng của cây ấu. Do đó, để cho ra đời thành công một số sản phẩm như: bột sữa củ ấu uống liền, bột ấu bánh canh, DN chúng tôi đã phải nghiên cứu và trải qua nhiều lần thất bại. Sau nhiều lần vất vả, tôi quyết định áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là công nghệ sấy thăng hoa để có thể giúp giữ được trọn vẹn hương vị, màu sắc, dinh dưỡng cũng như dược tính của củ ấu. Song song đó, để đảm bảo được năng suất cũng như chất lượng sản phẩm đồng bộ và có thể kết nối cùng các đối tác lớn, chúng tôi cũng đang tiến hành kêu gọi nhà đầu tư để có thể mở rộng quy mô sản xuất theo hướng công nghiệp. Bởi với những tín hiệu tích cực từ thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu đối với một số sản phẩm mà DN đã chào hàng, tôi tin rằng củ ấu của Lấp Vò sẽ có nhiều cơ hội để vươn mình trong thời gian tới”.
Hiện tại, một số sản phẩm được chế biến từ củ ấu của Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Đất Sen hồng đã có mặt tại một số cửa hàng bán thực phẩm sạch tại tỉnh Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh. Chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+ đang đặt vấn đề kết nối tiêu thụ đối với một số sản phẩm củ ấu của chị Kim Châu. Sắp tới, DN dự kiến sẽ xuất khẩu một số sản phẩm từ củ ấu sang thị trường Đài Loan và Trung Quốc...
Mỹ Lý