Huyện Tam Nông

Phát huy sản phẩm nông nghiệp thế mạnh

Cập nhật ngày: 31/12/2014 13:35:06

Là huyện thuần nông, huyện Tam Nông đã biết khai thác những sản phẩm tiềm năng của địa phương (cây lúa, tôm càng xanh) theo hướng đi riêng thông qua việc tạo điều kiện cho bà con từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định...


Lúa gạo là sản phẩm thế mạnh của địa phương

Cây lúa được xem là sản phẩm thế mạnh của huyện Tam Nông, tuy nhiên trước đây, sản phẩm làm ra phụ thuộc rất lớn vào thương lái, dẫn đến đầu ra thiếu ổn định. Để cây lúa của địa phương từng bước phát triển, huyện Tam Nông đã định hướng người dân tiến đến liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Mong muốn doanh nghiệp đồng hành với chương trình lâu dài, từ năm 2011-2013, huyện xây dựng hạ tầng hoàn thiện, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung với tổng kinh phí thực hiện gần 200 tỷ đồng. Trên đà phát triển cây lúa gắn với liên kết, năm 2014, toàn huyện xây dựng được 17 cánh đồng liên kết với tổng diện tích 14.000ha, giá lúa được doanh nghiệp thu mua cao hơn thị trường 200 đồng/kg, góp phần nâng tổng giá trị tăng thêm cho người dân trên 27 tỷ đồng. Ngoài ra, bà con còn được hướng dẫn quy trình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, với mỗi hecta, người nông dân lãi thêm khoảng 1,7 triệu đồng. Với định hướng nâng cao giá trị cây lúa, huyện tiếp tục xây dựng quy trình sản xuất gạo theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp liên kết tiêu thụ với các hợp tác xã (HTX) và cung ứng đầu vào lẫn bao tiêu đầu ra cho người nông dân. Trong vụ đông xuân 2014-2015, diện tích được thực hiện gần 4.000ha, được ký kết với 7 HTX.

Xác định HTX là một trong những nhân tố góp phần quan trọng trong liên kết sản xuất, huyện từng bước củng cố và xây dựng hình ảnh HTX đa dịch vụ, đủ mạnh làm chất kết dính giữa doanh nghiệp và người nông dân. Thời gian qua, nổi bật là HTX Tân Cường ở xã Phú Cường đang hoàn chỉnh dự án thành lập xí nghiệp chế biến lúa gạo và cung ứng vật tư nông nghiệp gắn kết với dự án cạnh tranh nông nghiệp ACP. Ông Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc HTX Tân Cường cho hay: “Xí nghiệp chế biến lúa gạo giúp người nông dân thụ hưởng các dịch vụ từ HTX, đồng thời định hướng cho người dân biết nhu cầu của thị trường về chất lượng gạo để thay đổi phương thức sản xuất phù hợp. Qua việc đầu tư, HTX đang tiến tới việc cung cấp sản phẩm gạo đến người tiêu dùng trong nước và sẽ tự xuất khẩu gạo khi đơn vị đủ lực”.

Dự án lúa sạch và nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa theo hướng GAP đang được thực hiện phần nào giúp nông sản thế mạnh của huyện tăng thêm giá trị. Theo ông Lê Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, mục tiêu chính của dự án là sản xuất lúa sạch, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ trong quá trình canh tác, nhằm cải thiện môi trường đất trên nền đất nuôi tôm. Với đề án này, nông dân rất phấn khởi và đăng ký hợp đồng với công ty. Theo đề án, Công ty Nông nghiệp GAP sẽ cung ứng giống, phân bón thuốc hữu cơ không lãi suất. Sau khi thu hoạch doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá thị trường và hỗ trợ thêm 800 đồng/kg lúa tươi. Giai đoạn 1 trong vụ đông xuân 2014-2015, diện tích thử nghiệm là 120ha tại xã Phú Thành B.

Ông Nam chia sẻ thêm, với đề án này người nuôi tôm được “chia sẻ” gánh nặng về giá thành đầu tư sản xuất. Bởi sau khi thu hoạch, đợt thả tôm tiếp theo bà con sẽ hạn chế chi phí cải tạo ao, giúp cho môi trường sống của tôm thuận lợi, giảm rủi ro thất thoát tôm.

Tại buổi làm việc với huyện Tam Nông gần đây, đồng chí Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy nhận định: Giảm giá thành sẽ là lời giải cho bài toán tái cơ cấu nông nghiệp vì mục tiêu cuối cùng là tăng thu nhập cho người dân. Trong thời gian ngắn, doanh nghiệp khó có thể bao tiêu toàn bộ diện tích lúa của địa phương. Vì thế, đối với những nông dân không tham gia cánh đồng liên kết, nếu họ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất thì họ vẫn đạt được lợi nhuận khả quan.

Với những kết quả đạt được, huyện Tam Nông cần tiếp tục sản xuất sản phẩm theo theo chuỗi giá trị, năng động trong khai thác phụ phẩm từ lúa gạo tạo giá trị tăng thêm. Trong mối quan hệ với doanh nghiệp, huyện kêu gọi công ty đầu tư kho, lò sấy tại vùng nguyên liệu giúp người nông dân hưởng lợi từ các dịch vụ này. Ngoài ra, địa phương cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, cải tạo bộ máy làm việc, đây là yếu tố rất quan trọng bởi nếu quản trị yếu kém sẽ không thể đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh như mong đợi...

K.D

 

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn