Tháp Mười
Tìm giải pháp cho đầu ra nông sản
Cập nhật ngày: 31/12/2014 06:46:54
Trong năm 2014, diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn huyện Tháp Mười đạt 110.000ha, năng suất bình quân gần 64 tạ/ha. Thời gian qua, để giúp sản phẩm lúa thương phẩm có đầu ra ổn định, huyện quan tâm nhiều hơn đến việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Năm 2014, với diện tích tham gia mô hình cánh đồng liên kết đạt gần 5.500ha, huyện đã xây dựng vùng nguyên liệu cho liên kết và tiêu thụ nông sản năm 2015 và giai đoạn 2016-2025. Chỉ tiêu từ năm 2015-2025, xây dựng 23 cánh đồng liên kết với diện tích 10.500ha, trong đó có 12 hợp tác xã (HTX) và 11 tổ hợp tác (THT) tham gia.
Liên kết tiêu thụ không dừng lại ở lúa thương phẩm, các Câu lạc bộ (CLB) sản xuất giống của huyện cũng tìm đến liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định. Đơn cử như CLB lúa giống Mỹ Hòa liên kết với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang là 265ha.
Ngoài cây lúa, thủy sản cũng được xem là sản phẩm nổi trội của địa phương. Trong đó, cá sặc rằn từng bước phát triển, tăng 22ha so với năm 2013, nâng diện tích lên 122ha. Theo đánh giá của địa phương, mô hình này mang lại lợi nhuận rất cao, từ 17 triệu - 500 triệu đồng/ha và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Với những lợi thế trên, huyện đã quy hoạch vùng nuôi 200ha và xúc tiến đầu tư hạ tầng, dịch vụ hậu cần để phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu.
Song song đó, mô hình nuôi ếch cũng được huyện xúc tiến gắn kết tiêu thụ nông sản này với siêu thị Metro Cash Cần Thơ. Theo kế hoạch, THT nuôi ếch xã Đốc Binh Kiều sẽ cung cấp cho siêu thị sản lượng 1.000kg/ngày. Đây được xem là hướng đi mới cho sản phẩm của địa phương pháp triển. Để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của doanh nghiệp, nhân viên kỹ thuật của siêu thị hướng dẫn cho người nuôi theo quy trình Metro GAP, sau đó từng hộ nuôi sẽ được cấp mã số định danh.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất được xem là hướng đi tiên quyết trong canh tác, vì thông qua việc áp dụng phương thức sản xuất mới quản lý rầy nâu bằng chế phẩm sinh học, áp dụng mô hình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm sẽ giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con. Ngoài ra, huyện còn quan tâm đến cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay, trên địa bàn huyện có 100% diện tích sản xuất làm đất, thu hoạch, phun thuốc bằng máy, 16% tổng sản lượng lúa toàn huyện có sử dụng lò sấy.
K.D