Hợp tác xã Tân Bình
Phát triển đa dịch vụ giảm bớt chi phí cho người nông dân
Cập nhật ngày: 25/11/2013 05:34:36
Hiện nay, các hợp tác xã (HTX) đã bắt đầu tiến tới liên kết trong sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Trên tinh thần đó, HTX Tân Bình (ấp Tân Phú B, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình) từng bước xây dựng đa dạng loại hình dịch vụ, phát triển vùng nguyên liệu, tiến tới liên kết sản xuất bền vững... tạo bước đệm hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
Hợp tác xã Tân Bình tiếp tục phát huy những giá trị từ cây ớt
Xây dựng HTX đa dịch vụ
Hòa chung việc tỉnh đang trên bước đường tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông sản đặc thù chất lượng cao tiến tới liên kết đầu ra sản phẩm, HTX Tân Bình tiến tới xây dựng hình ảnh đơn vị tiên tiến. Từng bước xây dựng thương hiệu đối với những loại nông sản đặc thù của huyện như lúa Jasmin 85, ớt gắn với liên kết tiêu thụ.
Trên những định hướng đó, HTX xây dựng nhiều dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như: dịch vụ tưới tiêu, làm đất, mua bán phân bón thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ vốn, sản xuất và tiêu thụ lúa giống, cắt gặt, nước sạch nông thôn.
Ông Phan Công Chính - Giám đốc HTX Tân Bình cho biết: “Mục đích của việc thành lập HTX đa dịch vụ nhằm hướng tới phục vụ, tạo sự thuận lợi trong canh tác của xã viên, bà con nông dân. Theo đó, tập trung giảm thiểu thấp nhất chi phí, nâng cao thu nhập. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực tưới tiêu đã giảm được 7-10% so với dịch vụ bên ngoài”.
Mặc dù phát huy đa dịch vụ nhưng cũng có lúc gặp khó khăn. Đơn cử như dịch vụ nước sạch nông thôn, thời gian đầu người dân chưa tham gia nhiều, nhưng đến nay số lượng đã nâng lên 750 hộ dân. Riêng dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là dịch vụ trực tiếp phục vụ cho sản xuất nhưng phải chịu áp lực của thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp. Song, bằng nhiều giải pháp nhằm góp phần giảm chi phí sản xuất, HTX đã nhập hàng khi giá cả thấp để đến thời gian cao điểm bán lại cho người nông dân với giá phải chăng. Mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 550 tấn phân, đáp ứng 55% nhu cầu sản xuất.
Anh Nguyễn Đình Phương - xã viên HTX Tân Bình cho biết: “Tôi rất hài lòng đối với những dịch vụ HTX vì đáp ứng được nhu cầu sản xuất của xã viên. Theo tính toán, giá cả phục vụ giảm hơn nhiều so với dịch vụ bên ngoài, góp phần vào việc giảm chi phí cho người nông dân”.
Tiến tới xây dựng liên kết bền vững
Hướng phát triển có nhiều điểm ưu việt trong sản xuất nông nghiệp là liên kết sản xuất, HTX Tân Bình xây dựng vùng nguyên liệu lúa Jasmine 85 với diện tích 600ha/năm. Nhiều năm qua, mô hình sản xuất lúa gắn với doanh nghiệp tiêu thụ được thực hiện nhưng chưa thật sự nổi bật khi người nông dân và doanh nghiệp chưa gặp nhau.
Theo ông Phan Công Chính, mặc dù ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp liên kết Công ty Lương thực Đồng Tháp trên diện tích 600ha, nhưng diện tích tiêu thụ chỉ chiếm 30 - 40%. “Việc chưa đi đến trọn vẹn trong liên kết là giữa người nông dân và doanh nghiệp chưa có điểm thống nhất chung, khi doanh nghiệp thu mua muốn rẻ, người bán muốn giá cao hoặc doanh nghiệp mua lúa khô nhưng người nông dân không có chỗ phơi nên chỉ muốn bán lúa tươi. Hiện nay, đơn vị đang xúc tiến tìm thêm nhiều đối tác phù hợp để liên kết, đảm bảo đầu ra cho người nông dân. Riêng đối với cây ớt, đơn vị sẽ tiến tới phát huy giá trị của nông sản này qua liên kết tiêu thụ” - ông Chính chia sẻ.
Góp phần cho sự phát triển nông nghiệp của địa phương, đơn vị được đầu tư xây dựng nhà kho 1.000 tấn, lò sấy với công suất 40 tấn/lần sấy... Tuy nhiên, nhu cầu trong khâu sấy vẫn còn khá lớn, HTX sẽ tiếp tục xây dựng 1 lò sấy với công suất 20 - 30 tấn/lần sấy. Theo đó, HTX cũng tiến đến cho nông dân lưu kho khoảng 1 tháng để chờ giá...
Những bước đi vững chãi ban đầu của đơn vị chắc hẳn sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện Thanh Bình.
K.D