Quy hoạch và định hướng phát triển bền vững con tôm càng xanh
Cập nhật ngày: 16/06/2014 06:00:00
Hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển nuôi tôm càng xanh bền vững tại Đồng Tháp” vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp tổ chức tại Khu du lịch Mỹ Trà. Tham dự hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Nguyễn Duy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, Hiệp hội Thủy sản các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các doanh nghiệp, hộ nuôi, cơ sở nuôi tôm càng xanh trong và ngoài tỉnh...
Theo Tổng cục Thủy sản, Việt Nam là một trong 13 nước có tôm càng xanh phân bổ tự nhiên với sản lượng lớn. Năm 2013, cả nước có khoảng 21 tỉnh, thành nuôi tôm càng xanh với tổng diện tích gần 12.300ha. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các tỉnh ĐBSCL với 12.250ha (chiếm 99,6% diện tích nuôi tôm càng xanh của cả nước), sản lượng nuôi đạt trên 6.000 tấn. Theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL đến năm 2015 thì diện tích nuôi tôm càng xanh là 26.900ha (chiếm 3,24% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng); đến năm 2020 là 35.100 ha (chiếm 3,24% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng).
Tại Đồng Tháp, tôm càng xanh hiện đóng vai trò quan trọng thứ hai (sau cá tra) trong nghề nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh. Theo Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, tổng diện tích nuôi tôm càng xanh của địa phương hiện đạt khoảng 1.100ha, sản lượng hàng năm khoảng 1.700 tấn, chủ yếu nuôi trong ruộng lúa vào mùa lũ. Tính đến cuối tháng 5/2014, toàn tỉnh Đồng Tháp đã thả nuôi hơn 49,7 triệu con post trên diện tích 365,58ha tôm càng xanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì mô hình này vẫn tồn tại những khó khăn bất cập cần sớm khắc phục. Tại hội thảo, có nhiều ý kiến kiến nghị Bộ NN&PTNT về việc cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch tôm càng xanh phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng địa phương; hỗ trợ các tỉnh trong việc xây dựng trại giống, chuyển giao quy trình công nghệ tiên tiến về sản xuất giống tôm càng xanh; cần có sự phối hợp liên bộ để xây dựng dự báo về thị trường tiêu thụ tôm càng xanh trong nước và xuất khẩu. Về phía Sở NN&PTNT các tỉnh, cần có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của các đơn vị, cá nhân có đủ năng lực để đầu tư cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh; hỗ trợ khâu quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định để người nuôi yên tâm đầu tư sản xuất.
Hội thảo cũng đề ra nhiều giải pháp về quy hoạch và định hướng phát triển bền vững con tôm càng xanh như: đầu tư hạ tầng; giống; quản lý nhà nước; vốn, tín dụng cho người sản xuất, kinh doanh; phát triển thị trường; tổ chức sản xuất; khoa học công nghệ và khuyến ngư...
Thanh Hiền