Sâu đục trái gây hại trên cây có múi

Cập nhật ngày: 29/04/2013 05:55:44

Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Lai Vung, tính đến cuối tháng 4/2013, trên địa bàn huyện có trên 200ha diện tích cây có múi bị thiệt hại nặng do sâu đục trái. Do đây là loại sinh vật gây hại mới được phát hiện, nên hầu hết nhà vườn đều gặp lúng túng, vì chưa có những biện pháp phòng trừ hữu hiệu.


Vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Tấn Tư ở ấp Hòa Định, xã Vĩnh Thới là một trong những khu vườn bị thiệt hại nặng nhất ở huyện. Trong số 100 gốc bưởi da xanh hiện đang cho trái, có đến 30% đã bị sâu đục trái tấn công. Ông Tư cho biết: Khi mới phát hiện sâu đục trên trái bưởi thì tôi thấy trái bị chảy mủ thấy lạ lắm, trong lỗ trái bưởi có phân của sâu. Khi xẻ trái bưởi ra thì thấy con sâu nhỏ xíu, có màu đỏ và ăn luồng bên trong múi bưởi, nếu còn trên cây, lâu ngày trái bưởi từ từ thối và rụng.

Sâu đục trái xuất hiện từ giữa năm 2011, đến cuối năm 2012, sâu đục trái trên cây có múi đã gây thiệt hại nặng cho bà con nhà vườn ở nhiều tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện sâu đục trái cũng đã tấn công trên các vườn cam xoàn, cam mật, cam dây ở huyện Lai Vung, ước diện tích bị lây nhiễm lên đến gần 190ha. Điển hình vườn cam 4.000m2 của ông Huỳnh Hữu Nhơn ở ấp Thới Mỹ I, xã Vĩnh Thới, tuy mới ra trái non, nhưng đã có sâu tấn công. Theo các nhà chuyên môn, do đây là đối tượng gây hại mới, nên thị trường chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu. Vì vậy, hiệu quả phun xịt sẽ không cao, chưa kể là sản phẩm thu hoạch có nguy cơ tồn dư thuốc BVTV gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Riêng với quýt hồng, loại đặc sản của địa phương Lai Vung thì chưa phát hiện bị thiệt hại. Tuy nhiên, bà con nhà vườn không tránh khỏi lo lắng bởi sâu đục trái lây từ bưởi sang cam và sẽ có thể lây từ cam sang quýt.

Ông Nguyễn Bé Năm - Trưởng trạm BVTV huyện Lai Vung khuyến cáo: Trước mắt bà con nhà vườn nên vệ sinh vườn, tỉa cành, tạo tán cho thoáng mát. Khi phát hiện sâu đục trên trái thì hái cả trái cho vô bọc chôn vùi xuống đất để tránh sâu đẻ trứng gây thiệt hại nặng thêm. Bên cạnh đó, cần áp dụng biện pháp bao trái nếu có điều kiện và tăng cường nuôi kiến vàng trong vườn để diệt sâu, không nên phun thuốc BVTV nhiều lần, vì sẽ bị ảnh hưởng đến nhiều mặt, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Để giúp nhà vườn ngăn chặn sâu đục trái hiệu quả, hướng tới Trạm BVTV huyện sẽ kiến nghị ngành Nông nghiệp Đồng Tháp đến khảo sát, tìm hiểu thực tế các diện tích bị thiệt hại để nghiên cứu hướng dẫn nông dân có biện pháp phòng trị hữu hiệu.

Nguyên Hãn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn