Thành lập tổ hợp tác - chất xúc tác cần thiết cho thanh long ruột đỏ

Cập nhật ngày: 26/04/2013 05:09:00

Ông Trần Văn Tuấn - xã Phú Hựu, huyện Châu Thành là người đầu tiên trồng cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện. Sau thời gian trồng thử nghiệm loại cây này, hiệu quả kinh tế sau thu hoạch vượt ngoài mong đợi. Ông Trần Văn Tuấn chia sẻ: “Tôi đã có nhiều chuyến đi tìm kiếm các giống cây trồng tại các tỉnh, tuy nhiên thanh long ruột đỏ là lựa chọn cuối cùng vì nhu cầu thị trường lớn trong khi diện tích trồng khá hạn chế.”


Ông Trần Văn Tuấn chăm sóc thanh long

Ông Tuấn cho biết, thanh long ruột đỏ không quá cầu kỳ về cách chăm sóc như những loại nông sản khác, chủ yếu trị bệnh thán thư, tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là cách trồng trụ sao cho phù hợp để khi cây lớn không bị đổ ngã. Nói về hiệu quả kinh tế, ông nhẩm tính, mỗi công thanh long cho trái từ 2-3 tấn, với giá thị trường đạt mốc 35.000 - 40.000 đồng/kg, trừ toàn bộ chi phí, hàng năm thu lãi trên 120 triệu đồng/công

Với điều kiện thuận lợi về hiệu quả kinh tế, ông đã chia sẻ kinh nghiệm, cách thức trồng cho bà con các xã lân cận. Đồng thời, để đầu ra sản phẩm ổn định, vươn xa vào các thị trường khó tính như siêu thị, ông đã vận động mọi người thành lập Tổ hợp tác (THT) thanh long ruột đỏ. THT ra đời khoảng gần 1 tháng nay, hiện THT có 31 thành viên (ông Trần Văn Tuấn được bầu làm Tổ trưởng THT). Ông Tuấn chia sẻ: “Thời gian qua, trong khi tôi bán cây giống thanh long cho người nông dân địa phương thì cũng vận động họ cùng thành lập THT sản xuất, nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm nhiều hơn, hạn chế việc ép giá của thương lái. Nhờ sự đồng lòng từ người dân, THT đã ra đời”.

Theo ông Tuấn, hoạt động của tổ đều hướng tới sản xuất theo hướng bền vững, sản phẩm đạt chất lượng và mang tính an toàn cao khi sử dụng, thành lập THT để các tổ viên liên kết chia sẻ những kinh nghiệm, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất. Ngoài ra, khi THT sản xuất đi vào quỹ đạo, ông Tuấn sẽ đăng ký xây dựng nhãn hiệu cho trái thanh long ruột đỏ, nhằm xây dựng thương hiệu riêng để sản phẩm đi xa hơn khi thị trường đang cần sản phẩm chất lượng, an toàn.

Song song đó, điểm mới của mô hình này là khi tham gia THT, mỗi tổ viên sẽ được cấp một mã hàng nhất định để phân định sản phẩm thanh long của hộ này với hộ khác. Đồng thời, khi sản phẩm đưa ra thị trường, đến các đối tác hợp đồng tiêu thụ, nếu sản phẩm của tổ viên nào không đạt chất lượng thì bị loại trừ nhằm không để ảnh hưởng đến sản phẩm còn lại...

Việc thành lập THT bước đầu vẫn chưa thể nói trước được kết quả, tuy nhiên đây sẽ là bàn đạp cho sản phẩm của địa phương có thể phát triển. Ông Phan Văn Sum - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn huyện Châu Thành nhận định: “Cây Thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, mang lại nguồn kinh tế cao cho người nông dân, thị trường lại rất rộng nên được người dân trên địa bàn huyện trồng nhiều. Trước đây, người nông dân sản xuất kinh doanh còn manh mún, nhưng từ khi THT được thành lập có thể tập trung một khối lượng sản phẩm ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường và đầu ra sẽ được giải quyết tốt hơn”.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn