Sổ tay kinh tế
Vụ nghịch sẽ... thành chính vụ!
Cập nhật ngày: 05/10/2012 08:46:15
Nông dân Hậu Giang đang thu hoạch khóm nghịch vụ, bán với giá cao, từ 4.200 - 4.500 đồng/kg. Như vậy, chỉ bán khoảng 600 trái khóm vụ nghịch, nông dân có thu nhập tương đương bán 1.000 trái vụ chính năm trước. Việc sản xuất trái cây rải vụ có thể mang lại cho nông dân thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất chính vụ. Tuy nhiên, lâu nay việc sản xuất trái cây rải vụ ở vùng ĐBSCL đều do nông dân tự thực hiện từ trình độ, kinh nghiệm của chính mình, gần như chưa có sự tham gia của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT). Điều này, nếu kéo dài có thể dẫn tới hệ lụy: Thấy vườn nhà láng giềng sản xuất rải vụ bán được giá, thu lãi nhiều, nông dân lại đua nhau sản xuất trái cây rải vụ thì sẽ dẫn tới tác động ngược. Khi đó, trái cây nghịch vụ có thể lại trở thành chính vụ do sản xuất quy mô lớn.
Vì vậy, rõ ràng phát triển trái cây rải vụ không nên để nông dân phải tự mày mò từ khoa học kỹ thuật, chọn thời điểm sản xuất đến mở rộng quy mô như lâu nay. Bộ NNPTNT và Sở NNPTNT từng địa phương cần nghiên cứu tình hình thực tế, qua đó đưa ra khuyến cáo về mùa vụ cho từng loại trái cây, quy mô sản xuất, tiến tới quy hoạch ở lĩnh vực này. Chẳng hạn như cây nhãn được trồng tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL với diện tích khá lớn, tuy nhiên loại cây này còn được trồng ở các tỉnh phía Bắc và các nước lân cận. Thời gian qua, sự phát triển của cây nhãn vùng ĐBSCL khá thăng trầm do tình trạng “đụng hàng” với nhãn ngoại nhập. Nông dân trồng nhãn vùng ĐBSCL từng phải đốn bỏ vườn nhãn, rồi trồng nghịch vụ..., song cũng chưa phải đã phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là việc trồng nhãn rải vụ ở ĐBSCL cũng phải chọn thời điểm để không “đụng hàng” (không thu hoạch vào tháng 7, tháng 8 trong năm) và các loại trái cây khác khi trồng rải vụ cũng phải tính tới yếu tố này.
Có thể thấy, ngoài quy hoạch diện tích, vùng nào trồng giống nào, trái cây vùng ĐBSCL còn phải được quy hoạch về quy mô phát triển, mùa vụ cụ thể kể cả khi sản xuất rải vụ - mới có thể tránh được tình trạng “dội chợ”.
Lê Như Giang