Tam Nông đẩy mạnh thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo

Cập nhật ngày: 17/11/2016 06:01:08

ĐTO - Huyện Tam Nông được tỉnh chọn triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với ngành hàng lúa gạo. Từ đó, huyện đã triển khai thực hiện Đề án chuỗi giá trị lúa gạo huyện Tam Nông với diện tích 5.489ha ở 12 hợp tác xã (HTX) của 5 xã và thị trấn; kêu gọi các công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ đầu ra nông sản cho nông dân và được Công ty Thuốc bảo vệ thực vật Sài Gòn, Công ty phân bón Bình Điền tham gia cung ứng vật tư đầu vào; Công ty TNHH-XNK Lộc Anh liên kết đầu ra sản phẩm.


Nông dân Hợp tác xã Tân Tiến trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa

Nhìn chung, trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp đều có tâm huyết trong việc liên kết, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và mang lại hiệu quả cho nông dân. Cụ thể, nông dân được hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất, cung ứng vật tư đảm bảo chất lượng, giá hợp lý và có doanh nghiệp liên kết tiêu thụ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015 do gặp khó khăn về vốn tín dụng, việc liên kết ngang giữa các công ty không được chặt chẽ, từ đó mối liên kết bị phá vỡ.

Bên cạnh đó, huyện Tam Nông cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư vật tư và liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân. Hiện trên địa bàn huyện có 6 doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết với 7 HTX nông nghiệp, diện tích là 11.048ha, thu mua được 3.609ha, sản lượng 22.508 tấn và sẽ triển khai thu mua tiếp tục vào vụ lúa thu đông 2016. Ngoài các doanh nghiệp, hiện nay trên địa bàn huyện có một số thương lái cũng thông qua HTX nông nghiệp để ký kết hợp đồng thu mua lúa cho nông dân ngay từ đầu vụ với số lượng lớn.

Từ đầu năm 2014 đến nay, toàn huyện Tam Nông đã triển khai thực hiện cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ với tổng diện tích 49.700ha, chiếm 70% diện tích sản xuất toàn huyện. Mục tiêu của cánh đồng lớn là hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhằm giúp giảm chi phí đầu vào, tăng thêm lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. Kết quả cho thấy khi nông dân thực hiện cánh đồng lớn thì chi phí sản xuất giảm bình quân 150 đồng/kg lúa, lợi nhuận tăng thêm 954.300 đồng/ha so với sản xuất truyền thống. Như vậy, với diện tích 49.700ha sẽ tăng thêm trên 47,4 tỷ đồng cho người nông dân.

Từ hiệu quả và kinh nghiệm sản xuất cánh đồng lớn gắn với liên kết, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững, thì tích tụ ruộng đất là một xu hướng tất yếu. Nhận thấy được điều này, từ đó huyện đã triển khai thực hiện mô hình tăng quy mô sản xuất, với diện tích 67,55ha trong năm 2015 ở 3 HTX (HTX Tân Cường, HTX Tân Tiến, HTX Phú Bình xã Phú Đức), trong đó tỉnh cho vay vốn và hỗ trợ 50% lãi suất cho HTX thuê đất của những hộ có diện tích nhỏ lẻ để tăng quy mô sản xuất, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang ngành khác. Hiện HTX nông nghiệp Tân Cường đã được tỉnh giải ngân và tổ chức thực hiện trong vụ đông xuân năm 2016, kết quả mô hình đã mang lại lợi nhuận cao hơn so với bên ngoài là 2.438.000 đồng/ha; đồng thời tỉnh đã thống nhất cho HTX Tân Cường mở rộng thêm 30ha.


Mô hình tích tụ ruộng đất của anh Nguyễn Văn Khanh được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ hiệu quả mô hình tích tụ ruộng đất, trong năm 2016 HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ (huyện Tháp Mười) liên kết với một số doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra đã đến địa bàn huyện Tam Nông thuê đất của nông dân để sản xuất lúa, hiện HTX đã thuê đất với diện tích trên 280ha (xã Phú Thọ 140ha, xã Phú Đức là 140ha), giá thuê đất từ 26-30 triệu đồng/ha. Đến nay, trà lúa sớm nhất đang vào giai đoạn trổ chín, chưa đánh giá được hiệu quả. Tuy nhiên, bước đầu cho thấy, đây cũng là một cách làm hay đối với HTX, giúp giảm bớt nguồn lao động nông nghiệp, tạo điều kiện để lao động nông nghiệp chuyển sang làm các dịch vụ có thu nhập cao, ổn định đời sống gia đình và góp phần đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huyện đang làm việc với Công ty giống cây trồng tỉnh Ninh Bình hoàn thành thủ tục để nông dân xã Phú Thọ cho công ty thuê khoảng 160ha đất sản xuất giống và lúa theo hướng an toàn.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn