Tân Cường hướng tới...

Cập nhật ngày: 18/06/2014 05:53:30

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Tân Cường ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông đã nổi tiếng từ nhiều năm nay. Song, điều chưa thỏa mãn của lãnh đạo HTX cũng như bà con xã viên là mọi thành tựu chỉ dừng lại ở đầu ra là bán lúa hột cho thương nhân. Tất nhiên, lợi nhuận của HTX và từng hộ xã viên cũng chỉ dừng lại ở đó.


Hai nhà kho đang xây dựng

Theo tính toán khâu cung ứng vật tư đầu vào và chế biến thành gạo bán ra lợi nhuận chiếm 70-80%; người nông dân trực tiếp sản xuất lợi nhuận chỉ chiếm 20-30%. Nói dễ hiểu: nếu HTX quản lý đầu vào cung ứng vật tư (giống, phân bón, thuốc trừ sâu) cho hộ nông dân giá sẽ thấp hơn bên ngoài từ 250.000 đến 300.000 đồng/ha; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sẽ hạn chế chi phí, tăng năng suất, tăng chất lượng lúa gạo, đem lợi nhuận cho nông dân từ 200.000 - 300.000 đồng/ha; kiến thiết lại đồng ruộng bằng máy trang la-de (lazer) làm mặt ruộng bằng phẳng, thuận lợi cơ giới hóa, giảm 50% lần bơm nước, giảm lượng phân bón còn 40 - 50%, năng suất tăng 300 - 500kg/ha, lúa chín đều, lợi nhuận tăng từ 1 - 1,5 triệu đồng/ha/vụ.

Nếu tính chung 3.400ha sản xuất 3 vụ của HTX, do tăng năng xuất và giảm chi phí mang lại thêm 34 tỷ đồng. Hiện nay, các khâu làm đất, gieo sạ, bơm nước, thu hoạch, vận chuyển đã cơ giới hóa, bước tiến tiếp là hoàn chỉnh giao thông nội đồng tới từng thửa ruộng, giúp nông dân thuận lợi trong vận chuyển.

HTX đã liên kết với một số doanh nghiệp ở khâu tiêu thụ lúa và nếu HTX vươn tới hoàn chỉnh từ đầu vào cho đến đầu ra là xuất khẩu gạo, thì lợi nhuận của nông dân sẽ tăng hơn. Giải bài toán trên, năm 2012, được sự thống nhất của UBND tỉnh và huyện Tam Nông, HTXDVNN Tân Cường tiếp nhận Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ.

Nhiệm vụ của Dự án này là: kiến thiết lại đồng ruộng theo cơ giới hóa; tổ chức lại hệ thống canh tác lúa gạo theo hướng hiện đại. Cung cấp vật tư đầu vào; tổ chức lại hệ thống thu hoạch, làm khô, tồn trữ đúng quy cách sau khi thu hoạch; chế biến gạo cung cấp tới người tiêu dùng theo tiêu chuẩn GAP; xây dựng nền nông nghiệp bền vững từ sản xuất đến tiêu dùng; xây dựng thương hiệu gạo liên kết từ đồng ruộng đến thị trường; xây dựng cộng đồng nông nghiệp, trong đó có mục tiêu tăng thu nhập cho từng hộ nông dân trong vùng Dự án.

Dự án đầu tư và thực hiện 3 giai đoạn: 2012-2014, 2014-2015, 2015-2016, với tổng nguồn vốn đầu tư là trên 42 tỷ đồng. Trong đó, vốn Dự án ACP hỗ trợ trên 9,7 tỷ đồng, HTX huy động thành viên 8 tỷ đồng, kêu gọi nhà đầu tư 4 tỷ đồng, còn lại, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ và HTX vay các tổ chức tín dụng với lãi suất ưu đãi theo quy định trên 20 tỷ đồng.

Bước vào thực hiện Dự án, năm 2013, HTX đã đầu tư gần 3 tỷ đồng san lấp mặt bằng 11.500m2, độ cao 3,5m, để xây dựng lò sấy, kho chứa lúa, xay xát, lau bóng gạo, tách màu, xuất khẩu ra nước ngoài và tiêu thụ nội địa. Đến nay, hai nhà kho (mỗi nhà 800m2) đã xây dựng, tháng 6 này bàn giao, trong mỗi kho chia nhiều hộc chứa từng giống lúa khác nhau.

Dự án đã đưa vào sử dụng 2 máy liên hợp gặt đập, 2 giàn trang lazer, chuẩn bị xây 1 tháp sấy lúa (HTX đầu tư thêm 4 - 5 tháp sấy nữa) mỗi tháp có công suất 40 tấn/mẻ, đảm bảo chế biến lúa 20.000 tấn/năm, cung cấp ra thị trường 10.000 tấn gạo/năm.

Ngoài phần sử dụng cho HTX Tân Cường, nơi đây còn tiếp nhận mở rộng sang HTX Hùng Cường (800ha), HTX Tấn Cường (1.100ha) và 900ha của các tổ hợp tác trong xã, đảm bảo từ khâu chở lúa, sấy, vô kho, xay xát... đến tiêu thụ.

HTX đưa 60 người cho Dự án tập huấn công tác quản lý và chuyên môn, điều hành các khâu. UBND huyện Tam Nông sẽ tăng cường người có chuyên môn về cho HTX. Toàn hệ thống đều sử dụng bằng băng tải, chỉ còn một ít khâu thủ công như bốc xếp chất gạo... Hiện tại Tam Nông đã có Công ty xuất nhập khẩu Lộc Anh, Công ty Võ Thị Thu Hà, Công ty Bùi Văn Ngọ ở TP.Hồ Chí Minh cung cấp thiết bị, tiêu thụ sản lượng gạo của HTX Tân Cường.

HTX đã quy hoạch vùng sản xuất lúa giống 120ha chất lượng cao, phát triển thêm cửa hàng vật tư, cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo đầu vào, chất lượng và giảm chi phí cho xã viên.

Thực hiện Dự án này sẽ góp phần thay đổi nhận thức, tập quán, thói quen của nông dân, trở thành người nông dân công nhân, nông dân công nghiệp, nông dân trí thức... và dẫn đến mục tiêu tăng thêm lợi nhuận, tăng thu nhập, không ngừng nâng cao mọi mặt đời sống người nông dân, đưa nông thôn, nông nghiệp lên hiện đại.

Vừa qua, Liên minh HTX, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh phối hợp UBND huyện Tam Nông, xã Phú Cường, cùng các ban, ngành huyện đến tận nơi khảo sát và có nhiều ý kiến bổ sung vào Dự án đang thực hiện của HTX, đạt sự nhất trí cao và sẽ trình UBND tỉnh.

Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) phù hợp với chủ trương của tỉnh Đồng Tháp về tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay, phù hợp chủ trương xây dựng nông thôn mới, được các doanh nghiệp hỗ trợ, đáp ứng nguyện vọng và hướng đi tới của xã viên và Ban lãnh đạo HTXDVNN Tân Cường.

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn