Tạo đòn bẩy để sản phẩm chủ lực, đặc thù phát triển

Cập nhật ngày: 04/07/2024 05:40:13

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240704054049dt2-5.mp3

 

ĐTO - Phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2024. Trên tinh thần đó, Đồng Tháp ban hành nhiều chương trình, đề án thúc đẩy các sản phẩm này (lúa, xoài, hoa kiểng, cá tra, sen) phát triển theo hướng bền vững...


Cá tra - sản phẩm đặc thù của tỉnh

Phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường

Hướng đến sản xuất bền vững, tỉnh quan tâm phát triển sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cấp mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi theo quy định. Đối với cây lúa, toàn tỉnh hiện có 572 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 92.300ha, chứng nhận an toàn thực phẩm là 6.582ha, chứng nhận VietGAP là 4.256ha. Cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày có 86 mã số vùng trồng với tổng diện tích 2.069,4ha; diện tích được chứng nhận VietGAP là 125ha và đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 108ha. Riêng cây ăn trái, toàn tỉnh hiện có 603 mã số vùng trồng với tổng diện tích 16.771ha. Diện tích được chứng nhận VietGAP là 783ha và đạt chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 124ha.

Toàn tỉnh hiện có 378 vùng nuôi cá tra thương phẩm được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.630ha mặt nước. Đến nay, Đồng Tháp có 82 vùng nuôi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với diện tích 645ha và 163 vùng nuôi ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn với diện tích 568ha. Đồng Tháp hiện có 38 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất tốt như: VietGap, GlobalGap, ASC, BAP với diện tích 242ha.

Với nguồn nguyên liệu dồi dào tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương. Toàn tỉnh hiện có hơn 710 DN sản xuất công nghiệp với trên 72.000 lao động, trong đó có trên 330 DN công nghiệp chế biến nông sản với trên 48.000 lao động. Thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ DN, HTX thực hiện quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm.

Giai đoạn 2016 - 2023 thực hiện hỗ trợ 43 đơn vị xây dựng điểm giới thiệu, trưng bày quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh, với tổng số tiền 1,077 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ 38 đơn vị quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm với tổng số tiền là 649,482 triệu đồng. Đối với hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện có 3 Dự án/Kế hoạch liên kết được UBND cấp huyện phê duyệt với tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ giai đoạn 2023 - 2027 là 2.691,7 triệu đồng.

Là tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp sở hữu nguồn nguyên liệu sẵn có giúp tỉnh phát triển một số sản phẩm chủ lực. Với diện tích thu hoạch nguyên liệu cá tra ước đạt 1.129ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 525.000 tấn, cung ứng trên 77% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh đạt hơn 497.900ha, sản lượng trên 3,3 triệu tấn/năm, đáp ứng 100% nguyên liệu sản xuất. Vùng sản xuất lúa chính của tỉnh tập trung ở các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình. Với diện tích rau màu, cây ăn trái trong và ngoài tỉnh là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển lĩnh vực chế biến rau quả.

Thời gian qua, Đồng Tháp đẩy mạnh giới thiệu, xúc tiến thương mại, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 nhằm phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương đến với người tiêu dùng.

Tình hình tiêu thụ sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương giai đoạn 2016 - 2024 có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng diện tích sản xuất lúa năm 2023 là gần 497.900ha, diện tích liên kết 112.111ha, đạt 22,5%. Riêng vụ đông xuân 2023 - 2024, diện tích liên kết là 57.013ha, đạt 31%. Ngành hàng xoài là mặt hàng thế mạnh của tỉnh, năm 2023, các địa phương thực hiện liên kết tiêu thụ khoảng 1.763,7ha, sản lượng 13.344 tấn. Theo đó có 9 DN, 23 vựa xoài cùng siêu thị Big C, Coop mart, Bách Hóa Xanh liên kết tiêu thụ với 9 HTX, 2 tổ hợp tác. Riêng ngành hàng hoa kiểng và sen chủ yếu do các HTX, tổ hợp tác cung cấp cho thương lái thu mua theo thời vụ.


Xoài Đồng Tháp có chất lượng cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng

Đòn bẩy từ KH&CN

Giai đoạn 2016 - 2024, tỉnh tổ chức triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh góp phần thực hiện phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Đồng thời áp dụng nhiều tiến bộ KH&CN có hiệu quả trong sản xuất. Từ đòn bẩy đó, thời gian qua, các mô hình đã tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và DN, xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, ổn định và bền vững. Năm 2023, ngành trồng trọt tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ước đạt 30.124 tỷ đồng, tăng 3,96% so với năm 2022 (tương ứng tăng 1.147 tỷ đồng), bằng 101,2% kế hoạch. Đồng thời, các ứng dụng KH&CN được triển khai, áp dụng trên các cây trồng chủ lực góp phần làm tăng chất lượng nông sản, thích nghi được điều kiện biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, một số mô hình nổi bật cũng được áp dụng trong lĩnh vực chăn nuôi. Công ty TNHH Liên doanh Austfeed Mekong đầu tư dự án Trung tâm heo giống công nghệ cao tại huyện Cao Lãnh, với 125.000 con heo thương phẩm/năm. Bước đầu áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt theo tiêu chuẩn VietGAP trên 6 hộ nuôi, với quy mô 10 heo nái/chuồng/hộ. Tỉnh còn phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thực hiện chuyển giao và phát tán đàn cá tra cải thiện di truyền cho các cơ sở sản xuất giống cá tra đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận công nghệ của Israel về sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực và ứng dụng quy trình sản xuất giống cá rô phi đơn tính sử dụng hormone MT (17 Alpha - Methyltestosterone).

Hướng tới sự phát triển bền vững, Đồng Tháp còn quan tâm công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương. Theo đó, hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ giữa Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM và các DN, HTX trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như chuyển giao công nghệ sản xuất nước cốt chanh mật ong cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất trà lên men từ lá sen cho Công ty CP đầu tư thương mại xây dựng dịch vụ và sản xuất Ecohome. Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức 2 cuộc kết nối cung cầu công nghệ trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho các cơ sở, DN, HTX gặp gỡ và kết nối trực tiếp với các chuyên gia đến từ các viện, trường và DN sở hữu công nghệ.

Công tác hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương được quan tâm. Đến nay, Đồng Tháp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 38 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, Chỉ dẫn địa lý cho nông sản chủ lực, đặc thù, có lợi thế. Ngoài ra còn có một số nông sản chủ lực, đặc thù đang lập thủ tục đăng ký xác lập quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ tiêu biểu như: Chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen; Nhãn hiệu chứng nhận “Làng bột Sa Đéc”, “Ổi lê Cao Lãnh”.

Giai đoạn 2016 - 2024, chi ngân sách nhà nước cho KH&CN đối với các hoạt động phát triển tài sản trí tuệ; nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của tỉnh là 54.564 triệu đồng. Đáng chú ý, việc huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước trong triển khai nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN được quan tâm và tỷ lệ đóng góp, đối ứng kinh phí từ đơn vị chủ trì, tổ chức, cá nhân thụ hưởng kết quả nghiên cứu ngày càng tăng, góp phần xã hội hóa các hoạt động KH&CN. Ngoài ra, việc đầu tư máy móc, thiết bị, cải tiến công nghệ đã được một số DN quan tâm thực hiện, thông qua các dự án chuyển giao công nghệ...

Y Du

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn