Tập trung phát triển ngành hàng xoài theo hướng bền vững
Cập nhật ngày: 02/03/2022 13:12:07
ĐTO - Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp tổ chức hội thảo lấy ý kiến kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng xoài tỉnh đến năm 2025, theo định hướng “Hợp tác – Liên kết – Thị trường” và “Giảm chi phí – Tăng chất lượng – Chế biến tinh”.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TRANG HUỲNH
Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, năm 2015 diện tích trồng xoài toàn tỉnh đạt 8,6 ngàn ha; đến năm 2020 diện tích xoài đạt gần 12,72 ngàn ha (tăng 41%), sản lượng 129,46 ngàn tấn, năng suất 11,92 tấn/ha, tăng 0,5 tấn/ha so với năm 2015. Khoảng 70% diện tích xoài của tỉnh là xoài cát chu (54%), xoài cát hòa lộc (16%), khoảng 30% còn lại là các giống xoài nhập nội.
Xoài chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng tươi, chưa qua chế biến. Trong đó, khoảng 65% sản lượng được xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, 35% được tiêu dùng nội địa. Xuất khẩu chủ yếu dạng trái tươi, thị trường xuất khẩu xoài chưa nhiều, chủ yếu vào các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Úc, Mỹ... và một số ít đi các nước thuộc EU, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Bộ, ngành, doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến xoay quanh việc phát triển ngành hàng xoài cho tỉnh. Theo PGS. TS Phạm Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, để nâng cao chất lượng xoài, tỉnh phải chú trọng từng công đoạn trong sản xuất từ bón phân, chăm sóc, chuỗi sơ chế bảo quản, giúp giảm chi phí gia tăng giá trị ngành hàng. Để phát triển nâng cao việc chế biến xoài theo hướng giá trị gia tăng, cần áp dụng các công nghệ xử lý côn trùng; áp dụng công nghệ xử lý đảm bảo độ chín đồng đều trong xuất khẩu; liên kết từ công đoạn thu hoạch đến bảo quản, sơ chế và chế biến... Đồng thời xây dựng nhiều hơn các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong tiêu thụ xoài...
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần có giải pháp quản lý mã số vùng trồng trong xuất khẩu, chỉ dẫn địa lý cho ngành hàng xoài; tập trung vào vùng nguyên liệu đáp ứng tốt sản lượng cho doanh nghiệp chế biến; chú trọng khâu sơ chế, bảo quản bằng công nghệ trữ lạnh, sấy khô, bảo quản lạnh, sấy lạnh, phụ phẩm xoài sau chế biến, các nguồn lực hỗ trợ dự án khởi nghiệp...
Công ty TNHH Nông sản Chú Chín (huyện Cao Lãnh) chú trọng đầu tư công nghệ vào sản xuất xoài
Ông Lê Văn Thiệt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ, thời gian tới, tỉnh cần có cơ chế giám sát trong khâu liên kết tiêu thụ xoài; phần mềm kết nối cơ sở vùng trồng; sổ ghi chép nhật ký sản xuất, canh tác; công tác phát triển giống... Cục sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long trong việc chuyển đổi số cơ sở dữ liệu vùng trồng, tiếp tục mở rộng hỗ trợ các tỉnh, địa phương trong thủ tục hồ sơ, hướng đến việc cung cấp thông tin thu hoạch, sơ chế, chế biến; tập huấn sử dụng công cụ cung cấp thông tin sản xuất; tiêu chí mã số vùng trồng, đóng gói...
Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, với mục tiêu, tiếp tục cơ cấu lại ngành xoài theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp hướng đến mục tiêu hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng xoài một cách hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu; tổ chức liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, kiểm soát được chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm; gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Trang Huỳnh