Tham vấn - góp ý thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh
Cập nhật ngày: 17/02/2014 04:34:35
Để đề án có cơ sở khoa học và sát với thực tiễn sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo tham vấn, lấy ý kiến sâu rộng của các tổ chức, doanh nghiệp và nông dân tại các huyện: Tam Nông, Cao Lãnh, Châu Thành, Tháp Mười, TP.Sa Đéc cho 5 ngành hàng chủ lực của đề án, lần lượt là: lúa gạo, cá tra, xoài, vịt, hoa kiểng nhằm hoàn chỉnh đề án, sớm triển khai vào thực tiễn đời sống.
Đại biểu tham gia phát biểu tại buổi tham vấn
Ngày 14/2/2014, tham vấn về mặt hàng lúa gạo tại huyện Tam Nông, Sở NN&PTNT chia sẻ những thực trạng của việc sản xuất lúa gạo của người dân, sản lượng tăng nhưng người nông dân vẫn không khá hơn. Định hướng sản xuất hiện nay là quy mô lớn, luân canh nhằm tăng giá trị gia tăng, đồng thời tiến tới liên kết sản xuất tiêu thụ.
Tại buổi làm việc, các đại biểu chia sẻ nhiều ý kiến trong liên kết tiêu thụ; những điểm nghẽn trong liên kết hiện nay là cần quy hoạch lại sản xuất, hỗ trợ vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đồng bộ. Theo bà con nông dân, cần có những chất xúc tác mạnh để tạo sự ràng buộc cao trong mối liên hệ giữa nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong liên kết, vì thế Nhà nước cần có cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ giúp doanh nghiệp đủ mạnh để thực hiện liên kết lâu dài. Đồng thời đầu tư nhà máy sấy lúa có công suất cao để “tiếp sức” với doanh nghiệp liên kết. Song song đó, cần cơ chế mới riêng cho các mô hình sản xuất tập trung hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm của địa phương nhằm phục vụ lại sản xuất liên kết; đầu tư nguồn nhân lực cho các HTX, tăng cường công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức sản xuất theo tập quán cũ của người dân cũng được các đại biểu quan tâm.
Đại diện Sở NN&PTNT đã trao đổi những ý kiến của đại biểu, ghi nhận sự đóng góp chân thành của bà con và sẽ nghiên cứu và đưa vào kế hoạch thực hiện đề án...
Cùng ngày, tại hội trường Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Cao Lãnh, Sở NN&PTNN tổ chức hội thảo tham vấn ngành hàng xoài. Đến dự có 100 nhà vườn đến từ TP. Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Trong đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh”, xoài là một trong 5 ngành hàng quan trọng chủ lực được tỉnh lựa chọn phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Vì vậy, việc đưa ngành xoài đi vào sản xuất ổn định, nâng cao thu nhập cho nhà vườn là một trong những vấn đề cốt lõi được trình bày tại hội thảo.
Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Viện cây ăn quả miền Nam, Trung tâm kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu II... đã phân tích tình hình sản xuất của địa phương cũng như vạch rõ tiềm năng, cơ hội và những thách thức mà ngành xoài của tỉnh đang phải đối mặt. Từ đó, nhiều giải pháp mới được các diễn giả đề xuất dựa trên tình hình sản xuất thực tế của nhà vườn ở địa phương.
Dịp này, nhiều nhà vườn bày tỏ sự đồng tình và kì vọng đối với Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của tỉnh. Ông La Văn Hùng - nhà vườn của xã Hòa An, TP.Cao Lãnh bày tỏ: “Người dân rất ủng hộ việc xây dựng vùng xoài chuyên canh. Tuy nhiên, với đề án lớn này chúng ta nên từng bước thực hiện, thà chậm nhưng chắc. Nếu làm theo kiểu “chữa cháy” thì đề án khó thành công như mong đợi”.
Tại UBND huyện Châu Thành, cũng trong ngày 14/2 Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Sở Công Thương, Liên minh HTX tỉnh cùng đại diện các ban, ngành liên quan tổ chức tham vấn ngành hàng cá tra.
Tại hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện hơn đề án phát triển ngành hàng cá tra. Trong đó tập trung vào các nội dung như: Ngành nông nghiệp cần tháo gỡ những khó khăn, rào cản về kỹ thuật, thuế, giá cho các hộ chăn nuôi; sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến thủy sản để tạo mối liên kết vững chắc; thành lập các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi cá tra liên kết với các nhà máy chế biến nhằm tạo đầu ra ổn định; tạo mối liên kết hài hòa giữa doanh nghiệp và người nuôi cá. Ngành nông nghiệp cũng cần quan tâm hỗ trợ người chăn nuôi trong việc nhân giống, cải tạo các giống tốt, có chất lượng, việc quy hoạch lại vùng giống cũng là điều rất cần thiết. Đại diện phía doanh nghiệp thì quan tâm vấn đề phê duyệt lại việc xuất khẩu cá tra có điều kiện; cấp chứng chỉ vùng nuôi nhằm quản lý được cung cầu; phải có giá sàn cho việc xuất khẩu cá tra.
Cũng có ý kiến cho rằng ngoài việc tái cơ cấu lại 5 ngành hàng chủ lực trong đề án, trong những năm tiếp theo, tỉnh nên xem xét bổ sung thêm những ngành hàng có tiềm năng như: nhãn, cây có múi (chanh, quýt hồng, bưởi, cam), gia súc (heo).
K.D-M.Lý-N.Khánh