Thay đổi tư duy làm nông nghiệp là để bảo vệ chính mình
Cập nhật ngày: 24/11/2016 06:23:35
ĐTO - Những năm gần đây, nhờ chuyển đổi sang trồng cam xoàn nên nhiều nông dân ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò có cuộc sống kinh tế ổn định, vươn lên khá giàu. Tuy nhiên, do sản phẩm cam xoàn của địa phương chưa xây dựng được nhãn hiệu nên còn bị động trong việc quảng bá và xúc tiến thương mại.
Cam xoàn được sản xuất theo quy trình an toàn tại xã Tân Khánh Trung
Hiện tại, toàn xã Tân Khánh Trung có trên 445ha đất trồng cây có múi, trong đó cây cam xoàn chiếm khoảng 1/3 diện tích. Theo nhiều nhà vườn, trồng cây có múi nói chung và trồng cam xoàn nói riêng cho hiệu quả kinh tế cao gấp 10 lần trồng lúa. Do đó, thời gian gần đây nhiều nông dân mạnh dạn chuyển sang canh tác những loại cây này.
Ông Lê Quang Diệu - thành viên Tổ hợp tác (THT) sản xuất cam an toàn xã Tân Khánh Trung cho biết: “Trước đây, tôi trồng xoài nhưng hiệu quả không cao nên chuyển sang trồng cam dây và cam xoàn. So với cây xoài thì cam cho hiệu quả kinh tế tốt hơn. Đặc biệt thời gian gần đây, nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất an toàn nên sản phẩm tiêu thụ dễ dàng và chi phí sản xuất cũng giảm rất nhiều so với trước đây”.
Ông Nguyễn Thanh Tòng - Tổ trưởng THT sản xuất cam an toàn xã Tân Khánh Trung cho biết: “Nhờ chuyển đổi sang trồng cam xoàn mà nhiều nhà vườn ở Tân Khánh Trung cải thiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là phần lớn sản lượng cam xoàn của địa phương chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, kênh tiêu thụ chính vẫn là hệ thống thương lái”. Một thực trạng mà nhà vườn vẫn luôn phải đối mặt là mỗi khi vào vụ mùa, giá cam lại xuống thấp, tới khi cam ở chợ tăng giá thì tiểu thương lại trộn một số loại cam không chất lượng vào cam xoàn để tăng lợi nhuận. Từ đó, khiến người tiêu dùng mất lòng tin với sản phẩm cam xoàn, nhà vườn nhiều phen lao đao vì tình trạng này. Hiện nhà vườn ở Tân Khánh Trung đang liên kết với nhau trong mô hình THT. Tại THT, cam xoàn sẽ được sản xuất theo quy trình an toàn, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Với những sản phẩm chất lượng và có nhãn mác rõ ràng người tiêu dùng sẽ không còn mất lòng tin vào bà con nông dân. “Để làm được điều này, nông dân mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước và hơn hết là mỗi nông dân phải quyết tâm thay đổi, phải thay đổi để tự cứu lấy mình” – ông Tùng chia sẻ thêm.
Dù mới củng cố lại thời điểm giữa năm 2016, nhưng với sự quyết tâm của từng thành viên, hoạt động của THT sản xuất cam an toàn xã Tân Khánh Trung có nhiều tín hiệu khởi sắc. Hiện tại, Công ty VinEo thuộc Tập đoàn VinGourp cũng đang đặt vấn đề hợp tác bao tiêu với THT. Trong năm 2017, doanh nghiệp sẽ cử một số cán bộ kỹ thuất xuống hỗ trợ THT sản xuất theo quy trình VietGAP. Sau khi sản phẩm đạt chuẩn, doanh nghiệp sẽ bao tiêu với mức giá do THT đặt ra. Sau nhiều lần tham gia phiên chợ nông nghiệp xanh, hiện tại người tiêu dùng và nhiều đơn vị cũng đến đặt vấn đề hợp tác với THT.
Cho biết về định hướng phát triển ngàng hàng thế mạnh này của địa phương, ông Đặng Vũ Khương - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò cho biết, cây có múi và hoa kiểng là 2 loại cây trồng thế mạnh được địa phương ưu tiên lựa chọn phát triển trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của xã. Đối với ngành hàng hoa kiểng, địa phương sẽ sắp xếp lại vùng sản xuất, ưu tiên khuyến cáo nông dân sản xuất những mặt hàng thị trường có nhu cầu cao. Riêng ngành hàng cây có múi, địa phương cũng đang phối hợp với các ngành của huyện, tỉnh vận động nhà vườn vào THT và sản xuất theo quy trình an toàn, hướng tới sản xuất theo hướng VietGAP. Sự đồng thuận của người dân chính là nền tảng để địa phương thực hiện hiệu quả các đề án lớn của tỉnh. Khi hoạt động của THT đủ mạnh, địa phương sẽ phối hợp cùng các ngành giúp THT xây dựng thương hiệu cũng như làm cầu nối xúc tiến thương mại cho nông dân.
Mỹ Lý