Thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu
Cập nhật ngày: 27/10/2021 05:45:59
Ngày 26/10/2021, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương và Đại sứ quán - Phái đoàn Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức “Tọa đàm chuyên đề trực tuyến về xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu”.
Với 27 nước thành viên và dân số trên 500 triệu người, EU có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản từ khắp các nước trên thế giới. Việt Nam là một trong 17 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất vào EU, chiếm khoảng 3-4% dung lượng thị trường nhập khẩu nông sản thực phẩm của EU. Thêm vào đó, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định EVFTA, Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT. Đây được coi là cơ hội để nông, lâm, thủy sản Việt hiện diện và liên kết sâu rộng vào thị trường EU, có giá bán cao.
Theo ông Huỳnh Tất Đạt - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, toàn tỉnh có 178 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó, có khoảng 65% hoạt động hiệu quả. Dự kiến đến cuối năm nay có thêm 7 HTX nông nghiệp. Sản lượng xoài của tỉnh đạt bình quân 140.000 tấn/năm, nhãn 60.000 tấn/năm và một số loại cây có múi khác. Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa HTX, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm thông qua việc cấp mã số vùng trồng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, thị trường EU luôn đưa ra các yêu cầu mới, bổ sung khắt khe về chất lượng an toàn thực phẩm và luôn kèm theo các tiêu chí mới gắn bảo vệ môi trường phát triển bền vững, an toàn, trách nhiệm xã hội… Vì vậy, để đạt được các mục tiêu phát triển thị trường rau quả tại EU, đưa nông sản Việt Nam đến tay người tiêu dùng EU, đồng thời kêu gọi EU đầu tư mạnh vào nông nghiệp, Việt Nam cần phải có những biện pháp mạnh như đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành hàng theo hướng tập trung sản xuất hàng hoá theo chuỗi liên kết từ nguyên liệu, chế biến và đặc biệt là bao bì, nhãn mác đến thị trường. Đồng thời Bộ trưởng nhấn mạnh, yếu tố then chốt quyết định thành công khi đưa hàng sang thị trường khó tính này chính là tư duy đi cùng nhau. Trong hệ sinh thái này, thì cần có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, nông dân.
Nguyệt Đỗ