Thực trạng chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 27/11/2013 05:09:43

Nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với điều kiện thuận lợi, Đồng Tháp là một trong những tỉnh có lợi thế đặc biệt trong sản xuất lúa. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hàng năm Đồng Tháp có khoảng 500.000ha diện tích đất gieo trồng lúa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lợi nhuận người dân đạt được trên một diện tích lúa rất bấp bênh. Nguyên nhân là do nguồn cung vượt cầu và sự cạnh tranh gay gắt của các nước trên thị trường xuất khẩu gạo.


Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang bắp giúp người dân
thu được lợi nhuận cao

Để hạn chế các vấn đề trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang khuyến khích nông dân giảm sản xuất lúa vụ hè thu sớm, chuyển sang trồng cây hoa màu có hiệu quả kinh tế cao nhằm cắt nguồn lây lan sâu bệnh từ vụ đông xuân sang vụ hè thu vừa giúp cải tạo đất, tăng thu nhập cho người dân. Thực hiện khuyến cáo của ngành chức năng, thời gian qua, người dân ở một số địa phương trong tỉnh cũng đã thực hiện khá hiệu quả mô hình xen canh, luân vụ giữa lúa với hoa màu.

Chuyển dịch cơ cấu hoa màu

Một trong những loại cây trồng ngắn ngày có ưu thế trong hệ thống luân canh cây trồng của tỉnh là cây đậu nành. Với đặc điểm cải tạo đất, giảm áp lực sâu bệnh, cắt đứt cầu nối dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nên hiện nay tại một số địa phương, người dân đã chuyển đổi sang mô hình này. Ông Tống Thanh Sơn - một hộ dân thực hiện khá hiệu quả mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang trồng đậu nành ở xã Tân Nhuận Đông, Châu Thành cho biết: “Gia đình tôi chuyển sang mô hình trồng xen canh 2 lúa 1 hoa màu từ 10 năm trở lại đây, tôi thấy hiệu quả hơn trồng lúa rất nhiều. Nếu tính về tỷ suất lợi nhuận, 1ha đậu nành trồng vụ hè thu có thể cho thu nhập hơn 31 triệu đồng, còn nếu sản xuất lúa vụ hè thu cùng thời điểm thì thu nhập khoảng 22 triệu đồng. Đặc biệt, trồng đậu nành còn được bao tiêu sản phẩm, nên hiện nay không chỉ tôi mà nhiều hộ dân trong xã cũng chuyển đổi sang mô hình trồng 2 lúa 1 đậu nành”.

Bên cạnh đậu nành, bắp cũng là loại cây được trồng phổ biến trong vài năm trở lại đây. Theo thống kê, năm 2010, diện tích trồng bắp là trên 3.700ha, năm 2013 diện tích đã tăng lên hơn 4.100ha. Nhìn chung, cây bắp cho thu nhập khá cao, trung bình 1ha bắp cho sản lượng trên 10 tấn, trừ tất cả chi phí, lợi nhuận cao gấp 1,5 lần so với trồng lúa. Do bắp cho thu nhập cao, chi phí đầu tư thấp, chỉ tốn công chăm sóc thời gian đầu, năng suất và đầu ra sản phẩm tương đối ổn định nên trong vài năm trở lại đây, nông dân tại một số vùng chuyên canh cây màu, khu vực ven sông Tiền, sông Hậu và các xã cù lao thuộc huyện Hồng Ngự, Lấp Vò, Thanh Bình... đã tự chuyển đổi một số diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp.

Song song với đậu nành, bắp, cây mè cũng bước đầu được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, canh tác loại cây này đang có khuynh hướng tăng lên, tính đến tháng 6/2013, diện tích gieo trồng mè trên 5.300ha. Năng suất bình quân từ 1,2-1,4 tấn/ha. Mè được trồng chủ yếu tại các huyện Lai Vung, Lấp Vò, huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, qua đánh giá kết quả thực hiện mô hình 123ha mè trên đất lúa ở huyện Hồng Ngự và huyện Cao Lãnh, 1ha mè có thể cho lợi nhuận 25,3 triệu đồng, cao nhất trong các loại nông sản hoa màu và cao gấp nhiều lần so với trồng lúa cùng thời điểm. Ngoài ra, một số loại hoa màu mới được triển khai trồng trên địa bàn tỉnh như: ớt, sen, khoai lang, khoai môn, kiệu... cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Với hiệu quả của cây màu, đa số nông dân đều cho rằng, trồng hoa màu nói chung, trong đó có cây đậu nành, bắp, mè trong vụ hè thu lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Bên cạnh đó, việc trồng hoa màu luân canh với lúa còn mang lại hiệu quả thiết thực trong cắt đứt nguồn sâu bệnh lây lan, về lâu dài, sẽ giúp hạn chế sự thoái hóa, bạc màu đất do sản xuất câu lúa liên tục, sử dụng phân vô cơ quá nhiều. Từ đó hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra...

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, việc chuyển dịch, mở rộng cơ cấu cây màu vẫn còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, hiện tại sản xuất nhỏ lẻ chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, gây khó khăn cho áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, một số diện tích đất đai khá lớn trên địa bàn tỉnh không chủ động được nguồn nước tưới tiêu đã ảnh hưởng lớn đến việc thúc đẩy tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, việc đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm hoa màu chưa được quan tâm nghiên cứu, đầu tư xây dựng đúng mức, nên ảnh hưởng đến chất lượng và gây sức ép trong tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, vấn đề ngành nông nghiệp tỉnh và hầu hết nông dân băn khoăn đó là thị trường tiêu thụ nông sản khi thực hiện chủ trương mở rộng diện tích canh tác. Bởi hiện nay, việc tiêu thụ mặt hàng này của nông dân chủ yếu chỉ qua thương lái. Bước đầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã kết nối với một số doanh nghiệp thực hiện ký kết với nông dân để tiêu thụ cây hoa màu như: Công ty TNHH Vạn Đức, Công ty TNHH Hùng Cá ký kết bao tiêu sản phẩm đậu nành cho nông dân. Tuy nhiên, diện tích được ký kết chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số diện tích người dân đang canh tác. Đây là vấn đề khó khăn và cũng là mấu chốt quyết định việc tăng diện tích hoa màu giai đoạn 2011 - 2020 lên 38.000ha.

Tại hội thảo chuyển đổi cơ cấu cây trồng khu vực ĐBSCL, nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng: Để nâng cao hiệu quả của việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiện nay, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khảo nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, để đáp ứng được các tiêu chuẩn và quy định về chất lượng sản phẩm của thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần tăng cường gắn kết trách nhiệm giữa cơ sở chế biến nông sản với các hộ nông dân trong việc xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các kênh thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm và tham gia vào việc xuất khẩu nông sản.

Riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, để tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh trong phát triển diện tích cây màu, theo ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ từng bước gắn kết nông dân trong vùng sản xuất hoa màu tập trung với nhau thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ để tập hợp sản phẩm số lượng lớn đáp ứng nhu cầu thu mua của doanh nghiệp. Tiếp tục mở rộng các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm bằng cách liên kết doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi thủy sản. Bên cạnh đó sẽ tăng cường sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng tổ chức tiêu thụ, sơ chế hoặc chế biến hoặc có khả năng xúc tiến các đầu mối tiêu thụ hoa màu cho nông dân.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn