Triển khai các biện pháp đối phó với “giặc lửa” trong mùa khô
Cập nhật ngày: 02/04/2022 06:07:36
ĐTO - Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số cơn mưa trái mùa, nhưng theo nhận định của ngành chức năng, hiện nay nền nhiệt ở nhiều nơi còn ở mức cao, nguy cơ cháy rừng rất lớn. Chính vì vậy, các đơn vị, chủ rừng cần cẩn trọng hơn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), nhất là việc nâng cao ý thức PCCCR, ngăn chặn các hành vi xâm nhập vào rừng trái phép của người dân, vì đây là những nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Bơm giữ nước trong rừng đến mức độ an toàn được Trại Thực nghiệm nông lâm nghiệp Động Cát thực hiện xuyên suốt
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua thống kê, đa phần các vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây là do yếu tố con người gây ra, cụ thể do bất cẩn trong sử dụng lửa, vào rừng bắt ong, vứt tàn thuốc trên đồng cỏ, sậy, dẫn đến cháy lan. Gần đây nhất có thể kể đến vụ cháy tại rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười, đã làm thiệt hại một số diện tích rừng tràm mới khai thác. Cụ thể, vào lúc 16 giờ 20 phút ngày 6/3/2022, trong lúc công nhân khai thác tràm đã bất cẩn để xảy ra cháy rừng, đến 18 giờ 20 phút, đám cháy mới được dập tắt, thiệt hại 4.505m2 rừng, thiệt hại khoảng 18 triệu đồng.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 12.000ha rừng, chủ yếu phân bố ở các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và huyện Cao Lãnh. Đa phần diện tích rừng ở các khu vực này là rừng tràm và bạch đàn nên nguy cơ cháy rừng vào mùa khô là rất cao. Cụ thể, hiện có 3 khu vực dự báo cháy rừng ở cấp nguy hiểm (cấp IV) là: khu vực Gò Cát, Gò Trâu, Gò Lau Vôi, Gò Tre phân khu A1 và phân khu A3, A4, A5 thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông); khu vực cặp lộ giao thông kênh Hội Kỳ Nhất - rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười; lô 3, khoảnh 4 - Trại giống Động Cát (huyện Tháp Mười).
Ông Nguyễn Tấn Thành - Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp nhận định, dù thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có xuất hiện những cơn mưa trái mùa, nhưng lượng mưa không lớn; ngày nắng nóng kéo dài, độ ẩm không khí thấp, cùng với mực nước tại kênh rạch thấp và nhiều vật liệu dễ cháy như: cỏ, lá cây, cành nhánh dưới tán rừng khô... nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Ông Thành đề nghị các chủ rừng thường xuyên vận hành máy chữa cháy có tải 2 lần/tuần; phân công trực 24/24 giờ tại Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cơ sở, trạm chốt, đài quan sát để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, chủ động xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các lực lượng kiểm tra khu vực trọng yếu có nguy cơ cháy rừng tại Trại Thực nghiệm nông lâm nghiệp Động Cát
Hiện nay, tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, các đơn vị chủ rừng đang tập trung lực lượng, phương tiện để kịp thời ứng phó.
Trại Thực nghiệm nông lâm nghiệp Động Cát (xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười) có 1 khu vực (lô 3, khoảnh 4) được dự báo cháy cấp IV - cấp nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và lây lan. Chính vì vậy, công tác PCCCR đã được Ban Quản lý trại triển khai quyết liệt. Ông Nguyễn Văn Khiêm - Phó Trại Thực nghiệm lâm nghiệp Động Cát cho biết, để bảo vệ 680,67ha rừng sản xuất tại đơn vị, ngay sau Tết, đơn vị tiến hành bơm giữ nước tại các khu vực có nguy cơ cháy cao. Đơn vị còn phối hợp với lực lượng kiểm lâm thường xuyên mở các lớp tập huấn, tuyên truyền, huấn luyện các thao tác, kỹ năng PCCC cho các hộ dân sống ven rừng, để phòng khi có tình huống cháy xảy ra, lực lượng này sẽ kết hợp với đơn vị thực hiện công tác PCCC kịp thời, hiệu quả. “Một điểm mấu chốt được Ban Quản lý trại duy trì thực hiện có hiệu quả trong công tác PCCCR thời gian qua đó là, việc đảm bảo vấn đề an sinh xã hội cho các hộ dân ven rừng để họ cùng hưởng lợi và cùng thực hiện công tác bảo vệ, PCCCR (định kỳ 3 năm/lần ký kết với 10 hộ sống ven rừng để cùng phối hợp thực hiện công tác quản lý, khai thác, bảo vệ rừng). Nhờ thực hiện tốt công tác này nên những năm qua, đơn vị đã bảo vệ được toàn bộ diện tích rừng hiện có và hạn chế được nguy cơ xảy ra cháy rừng. Chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch về công tác bảo vệ, PCCCR 10 năm tiếp theo tại đơn vị để tiếp tục hoàn thiện các giải pháp quản lý, bảo vệ, PCCCR trong thời gian tới”, ông Khiêm chia sẻ.
Để bảo vệ gần 300ha rừng tràm kết hợp du lịch, Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp luôn chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân, du khách các biện pháp PCCC. Ông Trần Văn Năm – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Di tích Gò Tháp cho biết, với đặc điểm tràm nằm trong khu di tích thường xuyên có khách đến tham quan nên nguy cơ cháy rất cao. Nhận định được những khó khăn này, Ban Quản lý Khu di tích luôn chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân, du khách trên hệ thống loa. Đồng thời phối hợp với UBND xã Mỹ Hòa và xã Tân Kiều (huyện Tháp Mười) thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng; chủ động các biện pháp phòng ngừa khi có tình huống cháy xảy ra.
Diễn tập sử dụng máy bơm nước chữa cháy rừng
Theo ông Nguyễn Văn Thành - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tháp Mười - Cao Lãnh (trực thuộc Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp), để đảm bảo công tác PCCCR năm 2022, trước và sau Tết, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện phương án PCCCR và tổ chức triển khai phương án ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm cũng tăng cường tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và PCCCR, động vật hoang dã; chủ động phối hợp các lực lượng tại địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tập trung vào các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập vào rừng trái phép, bẫy bắt động vật rừng, phá rừng, khai thác rừng, sử dụng lửa bắt ong gây cháy rừng. Đối với các chủ rừng, đề nghị tổ chức vệ sinh vật liệu cháy trong rừng, ven rừng, các tuyến đê bao tạo đường băng trắng để hạn chế trường hợp cháy lan; phân công trực 24/24 tại các Ban Chỉ huy PCCCR cơ sở, tổ, đội trạm, chốt và đài quan sát; các chủ rừng có tổ chức du lịch phải phân công người hướng dẫn và tổ chức kiểm soát chặt việc sử dụng lửa của khách du lịch khi vào rừng. Đặc biệt, nhận định nguy cơ cháy rừng phần lớn là do yếu tố con người nên lực lượng kiểm lâm chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ rừng, nhất là không được xâm nhập vào rừng bẫy, bắt động vật, bắt ong; khi đốt vật liệu cháy (đốt đồng) phải cẩn trọng, tránh lây lan để xảy ra cháy rừng...
Tại Công văn số 249/UBND-KT ngày 24/3/2022 của UBND về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, PCCCR UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện có rừng và các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác bảo vệ rừng, PCCCR.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn tỉnh; phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương tiến hành rà soát các đối tượng thường xuyên xâm nhập trái phép vào rừng để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp; thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 trong mùa khô hanh để tiếp nhận thông tin về diễn biến tình hình công tác bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất về an toàn PCCCR trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập trái phép để khai thác tài nguyên rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chăn thả gia súc trái phép, bẫy bắt động vật hoang dã, sử dụng lửa gây cháy rừng.
Riêng UBND các huyện có rừng, chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện, cơ sở; phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ huy để tổ chức kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn quản lý...
|
MN