Xây dựng hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ

Cập nhật ngày: 25/01/2023 08:55:18

ĐTO - Xây dựng mô hình hợp tác xã hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ là hướng đi bền vững nhằm xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nâng cao thu nhập cho xã viên. Những năm qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh luôn quan tâm, giúp các hợp tác xã nâng cao năng lực, xây dựng chuỗi giá trị và mở rộng đầu ra cho sản phẩm.


Sân phơi lúa của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò)

Phát triển chuỗi giá trị tại các Hợp tác xã (HTX), Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho người đứng đầu HTX, chú trọng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường; tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị để làm cơ sở nhân rộng. Đồng Tháp cũng được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực với sự tư vấn, tập huấn từ chuyên gia và hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất (HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Tân Bình, HTX DVNN Thuận Tiến được đầu tư mới trang thiết bị (mỗi HTX 2 bộ bơm) với công nghệ hiện đại, tiết kiệm điện trong phục vụ tưới tiêu cho thành viên, nhằm giảm giá thành trong sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho thành viên HTX). Liên minh HTX tỉnh phối hợp các viện, trường tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuỗi giá trị cho các cán bộ quản lý HTX được chọn để xây dựng chuỗi; tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, tham gia đoàn khảo sát thị trường kết hợp học tập kinh nghiệm về mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị ngoài tỉnh...

HTX DVNN Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) được thành lập năm 1989, quy mô toàn xã, với 1.150ha sản xuất lúa và hoa màu. HTX hoạt động với 13 dịch vụ, phục vụ trực tiếp cho hộ thành viên; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: sử dụng máy sạ lúa, máy phun thuốc, phun phân tự động, máy gặt đập liên hợp và được chọn thực hiện nhiều đề tài, dự án, mô hình trình diễn áp dụng trên lúa, hoa màu, cây ăn trái, gia súc, thủy sản. Hầu hết các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng năng suất, quản lý hiệu quả dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân giảm chi phí và tăng thêm thu nhập. Ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc HTX DVNN Bình Thành, chia sẻ: “Đầu tư ứng dụng khoa học, sản xuất theo chuỗi luôn được HTX quan tâm và nhận được sự hỗ trợ của các cấp. HTX xây dựng vùng lúa chất lượng cao 256ha, 81ha sản xuất lúa an toàn, 30ha lúa giống cung cấp cho thành viên của HTX. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ở HTX thông qua HTX - doanh nghiệp - thương lái mang lại lợi nhuận ổn định cho thành viên HTX. Ngoài đảm bảo đầu vào, đầu ra trong sản xuất lúa, HTX còn thực hiện các dịch vụ phục vụ xã hội như: thu gom rác thải sinh hoạt, nước đóng chai, nước đóng bình, gạo an toàn, đối với khách hàng là thành viên HTX, đến cuối vụ mới thu tiền. HTX đạt doanh thu năm 2021 là 22.723 triệu đồng, lợi nhuận 764 triệu đồng và năm 2021 doanh thu, lợi nhuận cũng đạt xấp xỉ năm 2022”.

HTX DVNN Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) thực hiện mô hình “Hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm” (sản xuất lúa theo quy trình 1 phải 5 giảm) do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn tỉnh thực hiện với mục tiêu chung là sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. HTX có 280ha sản xuất lúa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng, áp dụng cơ giới hóa toàn diện các khâu (làm mạ, cấy lúa, phun thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại bằng hệ thống giám sát sâu rầy thông minh, áp dụng phun thuốc bằng máy bay) và được công ty, doanh nghiệp thu mua lúa trực tiếp. Kết quả, lợi nhuận ước đạt 12,3 triệu đồng/ha, cao hơn 8,1 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình (4,2 triệu đồng/ha).

Theo ông Tạ Văn Bông - Giám đốc HTX DVNN Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Thanh Bình), từ nguồn hỗ trợ của cấp trên, sự đầu tư của HTX, đơn vị ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: mô hình nhà lưới ươm cây giống (cà chua, cây ớt), áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt phục vụ tưới tiêu; thực hiện sấy ớt bằng nhà sấy sử dụng năng lượng mặt trời. Mô hình này được thực hiện trên diện tích 1.400m2 nhà kính của HTX, ươm cây giống chất lượng cao cung cấp cho toàn vùng cù lao huyện Thanh Bình và các huyện trong tỉnh hơn 2,2 triệu cây/năm. Đây là mô hình sản xuất cây giống hoa màu (ớt) tiêu biểu ở đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá cao thời gian qua... HTX đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên với giá rẻ hơn thị trường bên ngoài; luôn quan tâm hỗ trợ cho thành viên nghèo về lãi suất, khâu làm đất và sau thu hoạch... Ngoài ra, HTX đã xây dựng kho 1.000 tấn, 2 lò sấy với công suất 40 tấn/mẻ và 30 tấn/mẻ để tạm trữ, sấy lúa cho thành viên; hệ thống tưới tiêu được bê tông hóa với tổng chiều dài 10km...


Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam (giữa) trong một dịp về làm việc tại Đồng Tháp, đã đến thăm và tìm hiểu hoạt động của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Bình

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và xây dựng các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là việc huy động nguồn lực Nhà nước phân bổ cho mô hình này còn hạn hẹp do chưa có khoản mục riêng, còn phân tán, lồng ghép vào nhiều chương trình khác nhau... Ông Lê Quang Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, chia sẻ: “Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Do đó, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục có các giải pháp thúc đẩy HTX thực hiện mô hình này. Cụ thể, tiếp tục phối hợp với các viện, trường tăng cường công tác đào tạo cán bộ cho các HTX tham gia sản xuất gắn với chuỗi giá trị để tăng cường nhận thức về chuỗi; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tập trung xây dựng các HTX gắn với các sản phẩm có thế mạnh để phát triển gắn với chuỗi giá trị, trong đó, ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các HTX xây dựng kế hoạch, phát triển mô hình liên kết sản xuất... Chúng tôi cũng phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tạo mọi điều kiện giúp các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của HTX; đẩy mạnh công tác tư vấn cho vay từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tạo điều kiện cho HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, mua thêm máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất nâng cao hiệu quả hoạt động...”

Thực hiện mô hình HTX hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, thành viên và người lao động có điều kiện được tham gia học tập để nâng cao kiến thức, tay nghề, được hỗ trợ áp dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, tiến tới sản xuất tập trung theo quy mô lớn, khép kín, gắn với áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật mới vào nhiều khâu trong quá trình sản xuất, từ vệ sinh, cải tạo, sử dụng giống, chăm sóc, quản lý dịch bệnh cho đến sơ chế, bảo quản sản phẩm; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự đồng đều về kích thước, mẫu mã và chất lượng...

T.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn