Xuất khẩu gạo Đồng Tháp, một năm nhìn lại
Cập nhật ngày: 19/02/2014 05:05:31
Đến nay, cả nước có khoảng 140 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó trên địa bàn Đồng Tháp có 29 doanh nghiệp (14 doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp và 15 doanh nghiệp ngoài tỉnh có chi nhánh đóng trên địa bàn). Đây là đội ngũ doanh nhân đủ mạnh đóng góp cho thành tích xuất khẩu gạo chung của cả nước trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo gặp không ít khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nếu đánh giá riêng trong năm 2013, có thể thấy rằng tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo của doanh nghiệp vô cùng khó khăn.
Năm qua, mặc dù lãi suất cho vay của ngân hàng đã hạ nhiệt và ưu tiên cho mặt hàng gạo xuất khẩu nhưng mức lãi suất vẫn còn cao, việc tiếp cận nguồn vốn vay còn nhiều hạn chế do ngân hàng định giá tài sản của doanh nghiệp thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2011 đến nay, hầu hết các nước nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Malaysia, Indonesia...đều thực hiện chính sách tự túc về lương thực, khuyến khích thúc đẩy sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu. Thậm chí, khách hàng truyền thống của Việt Nam là Philippines mỗi năm đều nhập khẩu lượng gạo lớn thông qua hình thức đấu thầu tập trung, nhưng từ giữa năm 2011 đến nay đã chuyển sang giao cho tư nhân đấu thầu với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Điều này làm cho giá gạo thấp hơn so với các hợp đồng tập trung.
Đối với các nước xuất khẩu như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan... muốn giải phóng hàng tồn kho nên chào giá bán thấp làm giá gạo thị trường thế giới luôn ở mức thấp. Sự cạnh tranh về giá, cạnh tranh về thị trường ngày càng diễn ra khốc liệt nên thị phần bị thu hẹp và giá xuất khẩu giảm... Do đó, doanh nghiệp khó thực hiện ký kết các hợp đồng thương mại, áp lực tồn kho cao, vốn vay ngân hàng phải chịu lãi suất trong thời gian dài.
Vấn đề khó khăn khác cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo của doanh nghiệp là thủ tục hành chính. Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ tạo hành lang pháp lý rất cao mang lại sự công bằng cho các doanh nghiệp, nhưng Nghị định này cũng còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Cụ thể, theo tinh thần Thông báo số 146/TB-VPCP ngày 13/4/2012 thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, chỉ đạo Bộ Công Thương điều hành việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong cả nước không quá 100 đầu mối. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp suốt hơn 1 năm qua, không ít doanh nghiệp phải bỏ qua nhiều cơ hội ký hợp đồng xuất khẩu gạo, vì chưa có Giấy phép, mất uy tín với khách hàng nước ngoài. Trong khi đó, các điều kiện về cơ sở vật chất đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng kinh doanh không có hiệu quả.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2013 lượng gạo xuất khẩu cả nước đạt 6,681 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,893 tỷ USD về lượng giảm 13,45%, về kim ngạch giảm 16,12% so với năm 2012. Riêng Đồng Tháp, theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê, năm 2013 ước xuất khẩu đạt 146.865 tấn, kim ngạch đạt 62,1 triệu USD, về lượng bằng 57,6% và về giá trị bằng 52,6% so với cùng kỳ. Theo dự báo, thị trường xuất khẩu gạo năm 2014 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do chịu áp lực hạ giá bán của Thái Lan và sự cạnh tranh quyết liệt từ các nguồn cung cấp chính ở châu Á gồm có Ấn Độ, Pakistan và Myanmar nên xu hướng giá còn tiếp tục sút giảm. Vì vậy, theo ngành công thương để xuất khẩu gạo năm 2014 có kết quả tốt thì phải cần có sự nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Trong đó, về phía cơ quan quản lý nhà nước phải củng cố và có giải pháp thích hợp đối với thị trường có hợp đồng tập trung để giữ thị phần và bảo đảm hiệu quả xuất khẩu. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nhất là đối với thị trường mới nổi có khả năng cạnh tranh và thâm nhập; chuẩn bị điều kiện mở thị trường gạo với Mỹ, Nhật sau khi kết thúc Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); tăng cường quản lý và kiểm tra xuất khẩu gạo qua biên giới để bảo đảm cân đối và hạn chế rủi ro. Có quy chế riêng về xuất khẩu qua biên giới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia bình đẳng; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu mới phù hợp với nhu cầu thị trường và định hướng cho sản xuất.
Trước mắt tập trung tăng cường kiểm tra chất lượng gạo xuất khẩu để giữ uy tín với khách hàng, đặc biệt là gạo thơm và nếp; triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo theo lộ trình thích hợp, trên cơ sở xác định vai trò và phân công thực hiện giữa các bên liên quan trong chuỗi liên kết, tạo sự nhất quán trong quá trình thực hiện chương trình. Trước mắt tập trung vào liên kết tiêu thụ lúa của nông dân.
Đối với doanh nghiệp, cần tích cực chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện chủ trương thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa; nếu đơn vị không thực hiện tiêu chí này doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo sau khi có Quy định về lộ trình thực hiện chủ trương thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa (Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lộ trình cụ thể trong Quý II năm 2014).
Ngoài ra, doanh nghiệp phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ để đạt thành tích xuất khẩu gạo tối thiểu 10.000 tấn/năm, kỳ hạn xét thành tích xuất khẩu để thu hồi Giấy chứng nhận là 2 năm liên tiếp xuất khẩu không đạt 10.000 tấn/năm. Trong kỳ hạn xét thành tích, thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc trong 2 năm liên tiếp không đạt tổng thành tích xuất khẩu tối thiểu 20.000 tấn gạo sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận.
Trúc Tươi