Khát vọng nâng tầm vị thế xoài Đồng Tháp trên thị trường quốc tế

Cập nhật ngày: 28/04/2023 05:24:29

ĐTO - Từ lâu, câu ca dao “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh” đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Đặc biệt, sau quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thương hiệu Xoài Cao Lãnh ngày càng khẳng định vị thế khi được một số thị trường ngoài nước chấp nhận.


Mô hình “Cây xoài nhà tôi” tại xã Mỹ Xương gắn mã truy xuất nguồn gốc, khách hàng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã là có thể biết được nguồn gốc của cây xoài (Ảnh: M.N)

Để khẳng định hơn nữa vị thế ngành hàng xoài, Đồng Tháp đã và đang định hướng, nâng tầm thương hiệu, giá trị của xoài thông qua chất lượng, khai thác giá trị mới từ du lịch, chế biến...

Phát triển theo xu thế thị trường

Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với diện tích trồng xoài của tỉnh là 14.399ha (sản lượng gần 140.000 tấn/năm), chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh, xếp thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng với các giống xoài chủ lực như: xoài Cát Chu, Cát Hòa Lộc, Tượng da xanh...

Để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cao từ các thị trường mục tiêu, khó tính và mong muốn đưa những sản phẩm tốt nhất đến với người dùng, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức sản xuất phát triển ngành hàng xoài theo chuỗi giá trị, hình thành nhiều vùng nguyên liệu sản xuất xoài tập trung quy mô lớn ở huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh và TP Cao Lãnh; ứng dụng khoa học và công nghệ trong tổ chức sản xuất xoài theo hướng an toàn, bền vững, có gắn kết truy xuất nguồn gốc và liên kết thị trường tiêu thụ; đã có 296 vùng được cấp mã số, với 8.228ha.

Nhãn hiệu “Xoài Cao Lãnh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu và được cấp chỉ số địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm (năm 2019), từng bước xây dựng được thương hiệu, tạo lòng tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ngoài thị trường tiêu thụ trong nước tại các chợ truyền thống, các hệ thống phân phối hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử..., xoài Đồng Tháp được cung ứng và xuất khẩu trực tiếp đi nhiều thị trường như: EU, Hoa Kỳ, Úc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Cùng với việc tổ chức lại sản xuất của tỉnh, những người nông dân, hợp tác xã trên địa bàn đang dần thay đổi tư duy sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng và đẩy mạnh chế biến, xây dựng thương hiệu “Xoài Cao Lãnh”, có thể kể đến như: mô hình “Cây xoài nhà tôi” tại Hợp tác xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh), mô hình sản xuất xoài hữu cơ của ông Nguyễn Phú Hiệp (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh), mô hình ủ phân hữu cơ tưới xoài của Tâm quê Hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh)...

Ông Nguyễn Phú Hiệp - nông dân thực hiện khá hiệu quả mô hình sản xuất xoài hữu cơ (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh) chia sẻ, nhu cầu tiêu dùng hiện nay đã thay đổi, người tiêu dùng không chỉ có nhu cầu ăn ngon, đẹp mà cần sản phẩm sạch, an toàn. Vì vậy, nông dân phải làm theo nhu cầu thị trường mới trụ vững trong thời gian tới. 8 năm qua, ông làm mô hình xoài hữu cơ, tâm huyết cho cây xoài quê hương và tiếp tục truyền cảm hứng cho những nông dân cùng làm theo, nhưng hiện diện tích, sản lượng tổ hợp tác đưa ra thị trường vẫn còn ít (12ha), nếu muốn xâm nhập sâu hơn ra thị trường nước ngoài, bên cạnh yếu tố tiên phong, tâm huyết thì cũng cần số lượng đảm bảo mới đáp ứng nhu cầu...

Đây cũng là câu chuyện hạn chế của ngành hàng xoài Đồng Tháp được tỉnh nhìn nhận trong thời gian qua. Diện tích sản xuất xoài còn nhỏ lẻ, manh mún; vấn đề hợp đồng liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ chưa thật sự bền vững; sản phẩm chế biến từ xoài chưa nhiều, chưa đa dạng sản phẩm và quy mô nhỏ; tình trạng được mùa – mất giá vào thời điểm chính vụ vẫn còn xảy ra gây tổn thất cho người nông dân và các đơn vị kinh doanh xoài; thương hiệu xoài chưa được khai thác tốt để phát huy giá trị sản phẩm, tỉnh đã và đang đặt ra bài toán cho ngành hàng xoài Đồng Tháp.


Ông Nguyễn Phú Hiệp (bìa phải) - nông dân đi đầu trong mô hình trồng xoài theo hướng hữu cơ tại Đồng Tháp

Kỳ vọng và bước đi trong tương lai

Là nông dân trực tiếp trồng xoài và cũng đặt kỳ vọng cho trái xoài tỉnh nhà, nhưng ông Đoàn Thanh Hiền ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho rằng, để trái xoài Cao Lãnh thật sự xứng danh với thương hiệu - Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh thì tất cả người Cao Lãnh phải cùng sản xuất với cái tâm và đảm bảo chất lượng để xứng danh với thương hiệu này. “Ngon, lành, đẹp, đều, nhiều, rẻ” là tiêu chí được ông Hiền đề xuất để nâng tầm giá trị trái xoài trên thị trường.

PGS, TS. Nhan Minh Trí - giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ, sản phẩm có tem nhãn, truy xuất nguồn gốc sẽ tạo được niềm tin cho khách hàng. Bên cạnh đó, vấn đề cốt lõi đó là liên kết với doanh nghiệp bao tiêu để sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp mới là điều tiên quyết. Vấn đề không phải nông dân đã sản xuất đạt chứng nhận gì mà là doanh nghiệp cần những tiêu chuẩn gì để đáp ứng theo từng thị trường xuất khẩu. Chính vì vậy, chỉ khi liên kết được với doanh nghiệp đầu ra, sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp thì bài toán cho trái xoài mới thật sự hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng từ các thị trường khó tính và mong muốn đưa những sản phẩm tốt nhất đến với người dùng, Đồng Tháp đặt trọng tâm vào 3 mục tiêu, đó là: chuẩn hóa chất lượng xoài Đồng Tháp, chuẩn bị cho câu chuyện hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị với quy mô lớn; khai thác tiềm năng du lịch từ ngành hàng xoài; khai thác giá trị gia tăng từ chế biến nông sản để tạo giá trị mới cho ngành hàng... Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đồng bộ về cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, sắp xếp các nhân tố tham gia bên trong ngành hàng xoài, việc tổ chức Lễ hội Xoài hàng năm cũng là một kênh xúc tiến quan trọng để tỉnh quảng bá hình ảnh, thu hút du khách và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư đến với Đồng Tháp. Theo đó, thông qua các chuyến tham quan thực tế, hiểu được quy trình trồng, sản xuất, chế biến, doanh nghiệp sẽ có sự cân nhắc đầu tư phù hợp. “Tỉnh cũng kỳ vọng thông qua các hội thảo tại Lễ hội Xoài lần này sẽ nhận được những đóng góp tích cực về giải pháp, hướng đi và sự đầu tư phù hợp cho ngành xoài Đồng Tháp trong thời gian tới” – ông Minh chia sẻ.


Du khách tham quan, tìm hiểu mô hình “Cây xoài nhà tôi” tại hộ ông Nguyễn Văn Mách (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh)

Nâng tầm vị thế cho xoài Đồng không chỉ là khẩu hiệu mà là khát vọng được cả hệ thống chính trị của tỉnh đang tập trung thực hiện. Tin rằng, bằng sự nỗ lực của Nhà nước, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp... câu chuyện khát vọng, nâng tầm trái xoài Đồng Tháp sẽ mang lại thành công trong thời gian tới...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn