Nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài
Cập nhật ngày: 28/04/2023 15:20:23
ĐTO - Đây là chủ đề hội thảo do Cục Trồng trọt; Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức, sáng ngày 28/4, tại UBND tỉnh Đồng Tháp. Hội thảo là một trong chuỗi hoạt động trong Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023.
Đồng chủ trì hội thảo có ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành, các doanh nghiệp kinh doanh và trồng xoài trên địa bàn tỉnh
Thông tin khái quát về bức tranh ngành hàng xoài của Việt Nam, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, cả nước hiện có 115.000ha xoài, năng suất đạt hơn 968.000 tấn, tập trung nhiều ở các tỉnh: Sơn La, Khánh Hòa, Đồng Tháp, An Giang, Đồng Nai, Vĩnh Long. Theo ông Lê Thanh Tùng, diện tích, sản lượng của xoài 10 năm qua không có nhiều biến động, điều này là điều kiện thuận lợi để địa phương tính toán và có sự đầu tư phù hợp cho ngành hàng này.
Tại hội thảo, tổ chức UNIDO trao tài liệu SOPS (quy trình thao tác chuẩn cho chuỗi cung ứng xoài phục vụ xuất khẩu) cho tỉnh Đồng Tháp
Thời gian qua, các tỉnh đã triển khai đa dạng nhiều giải pháp phát triển ngành hàng xoài. Mặc dù vậy, hiện tại sản xuất xoài tại Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại như: quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm; tác động của biến đổi khí hậu (khô hạn, xâm nhập mặn, nhiệt độ bất thường, mưa trái mùa…), sâu bệnh hại ảnh hưởng năng suất, sản lượng và chất lượng xoài; sản xuất đạt chứng nhận còn rất khiêm tốn…
Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh có trên 14.000ha xoài, sản lượng trên 130.000 tấn/năm. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện tỉnh đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu sản xuất xoài tập trung qui mô lớn ở huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, TP Cao Lãnh; tổ chức sản xuất xoài theo hướng an toàn, bền vững, có gắn kết truy suất nguồn gốc và liên kết thị trường tiêu thụ, đã có 296 vùng được cấp mã số, với diện tích 8.228ha. Hiện xoài Đồng Tháp được cung ứng và xuất khẩu trực tiếp đi nhiều thị trường như: EU, Hoa Kỳ, Úc, Liên Bang Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Tại hội thảo, diễn ra lễ ký kết mô hình chuyển đổi số gắn với truy xuất nguồn gốc chuỗi ngành hàng xoài giữa tỉnh và đơn vị liên kết
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để nâng cao giá trị ngành hàng xoài, Cục Trồng trọt phải có chiến lược phát triển bài bản, phân chia diện tích từng vùng phù hợp. Bên cạnh đó, các địa phương phải nhìn nhận về tiềm năng, lợi thế để đầu tư mạnh hoặc giảm diện tích chuyển sang những loại cây trồng tiềm năng khác; các tỉnh cần rà soát, quy hoạch sản xuất tập trung, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi, tiếp tục có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và xuất khẩu xoài và các sản phẩm từ xoài; hình thành các tổ chức liên kết sản xuất xoài; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất có chứng nhận, sản xuất đáp ứng an toàn thực phẩm, cấp mã số vùng trồng…
MN