Thay đổi góc nhìn giúp nông dân Đồng Tháp tạo ra giá trị mới cho ngành hàng xoài
Cập nhật ngày: 28/04/2023 10:20:45
ĐTO - Đầu tư sản xuất xoài theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh áp dụng chế biến nhằm tạo ra những sản phẩm mới mang lại giá trị gia tăng cao gấp nhiều lần cho trái xoài địa phương… là những cách mà nhiều người dân Đồng Tháp đang nỗ lực thực hiện trong những năm gần đây. Mặc dù những mô hình sản xuất mới vẫn đang ở quy mô nhỏ, lẻ, nhưng có thể nhận thấy đẩy mạnh đầu tư chế biến, áp dụng chế biến sâu đang là xu hướng mới trong ngành hàng xoài.
Đầu tư công nghệ sơ chế sau thu hoạch giúp tăng chất lượng trái xoài, kéo dài thời gian bảo quản
Tạo giá trị mới cho trái xoài Cao Lãnh sản xuất chuyên nghiệp
Là một trong những địa phương có diện tích xoài lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, với hơn 4.500ha, huyện Cao Lãnh đã mạnh dạn chọn ngành hàng xoài là 1 trong 5 ngành hàng thế mạnh để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sau gần 10 năm thực hiện, ngành hàng xoài của huyện có những bước chuyển mình rõ nét. Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh cho biết, ngành hàng xoài của huyện có nhiều thay đổi tích cực, nhất là sự thay đổi nhận thức của người dân địa phương về phát triển ngành hàng xoài. Thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, sản xuất xoài theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP..., góp phần nâng cao giá trị cho trái xoài địa phương. Song song đó, với việc đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, huyện đã từng bước hình thành được một hệ sinh thái giúp ngành hàng xoài phát triển. Hiện tại, trên địa bàn huyện Cao Lãnh có hơn 70 nhà vựa và khoảng 4 doanh nghiệp đang hoạt động mạnh về thu mua và chế biến xoài.
Sản phẩm xoài Cát Chu sấy dẻo của Cơ sở Lộc Thịnh Phát (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh)
Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển thương mại ở các phân khúc thị trường truyền thống, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp khởi nghiệp như: Công ty TNHH Nông sản Chú Chín, Công ty TNHH Nông sản sạch T&H đã mạnh dạn ứng dụng đồng bộ các giải pháp về công nghệ sau thu hoạch, góp phần giúp cho trái xoài địa phương giảm tỷ lệ tổn thất, tăng chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản, từ đó, trái xoài tươi Cao Lãnh được nâng cao chất lượng và có nhiều cơ hội đến với các phân khúc thị trường cao cấp hơn...
Anh Lê Quốc Trung - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch T&H, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “So với các loại trái cây ngoại nhập, chất lượng trái xoài Cao Lãnh không hề thua kém. Tuy nhiên, để trái xoài có đúng giá trị vốn có của nó thì phải đầu tư nhiều thứ, trong đó áp dụng các giải pháp công nghệ sau thu hoạch là giải pháp bắt buộc. Hiện tại, Công ty TNHH Nông sản sạch T&H đã đầu tư nhiều máy móc, công nghệ để hoàn thiện mắt xích về sơ chế đóng gói trong chuỗi ngành hàng xoài. Chúng tôi mong muốn góp phần mang đến một diện mạo hoàn toàn khác biệt cho trái xoài, để đặc sản xoài Cao Lãnh có thể nâng tầm giá trị”.
Sản phẩm nước xoài lên men của lão nông Nguyễn Phú Hiệp (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh)
Nông dân quan tâm đến đầu tư chế biến xoài
Những năm gần đây, khi đến thăm Đồng Tháp, khách thập phương có dịp để thưởng thức nhiều sản phẩm hấp dẫn từ những người nông dân xứ xoài Đồng Tháp như: xoài sấy dẻo, nước ép xoài, nước xoài lên men, rượu xoài... Không sản xuất quy mô công nghiệp như các doanh nghiệp lớn, các mô hình chế biến xoài của nông dân phần nhiều dừng lại ở quy mô hộ gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ, nhưng đó là giải pháp hữu hiệu giúp nhà vườn trồng xoài nâng thu nhập cao gấp nhiều lần so với bán xoài tươi thuần túy.
Ông Nguyễn Phú Hiệp - Tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất dịch vụ xoài Bà Két, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh và cũng là “cha đẻ” của sản phẩm nước xoài lên men tâm sự: “Mặc dù sản phẩm xoài tươi của Tổ hợp tác đã được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản lượng với mức giá khá cao, nhưng thông thường trong quá trình thu hoạch, nhà vườn sẽ tồn lại khoảng 10% sản lượng do xoài chín cây và những trái xoài loại 3 không đóng gói xuất bán được. Xuất phát từ thực tế đó, tôi bắt đầu nghiên cứu phát triển thêm một số sản phẩm chế biến mới từ sản phẩm xoài của gia đình như: nước xoài lên men và rượu xoài... Sau nhiều lần test mẫu và được nhiều bạn bè đánh giá cao chất lượng sản phẩm nước xoài lên men, đầu năm 2023, tôi chính thức giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Nếu so với việc bán xoài tươi thì sản phẩm nước xoài lên men thật sự là giải pháp giúp cho nhà vườn giải quyết được số lượng xoài chín, xoài loại 2, loại 3 còn tồn lại ở nhà vườn sau mỗi vụ mùa”.
Sản lượng xoài ùn ứ, rớt giá vào mỗi vụ mùa trong suốt nhiều năm dài cũng là nỗi trăn trở của nhà vườn Trần Quan Thâu - chủ Cơ sở Lộc Thịnh Phát (ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh). Để có thể bảo quản sản phẩm xoài lâu hơn, ông Thâu và một số nhà vườn tại địa phương đã tính đến giải pháp đầu tư chế biến xoài từ việc tận dụng nguồn xoài loại 2, loại 3 còn tồn lại vườn. Và, phát triển sản phẩm xoài sấy dẻo là giải pháp mà ông Thâu quan tâm. Sau nhiều lần nghiên cứu và thất bại không ít lần, năm 2019, mẻ xoài sấy dẻo đầu tiên của ông Thâu thành công, cũng từ đây sản phẩm xoài Cát Chu sấy dẻo với nhãn hiệu Lộc Thịnh Phát chính thức ra mắt thị trường.
Ông Trần Quan Thâu với mô hình sản xuất xoài sấy dẻo tại xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh
Ông Trần Quan Thâu tâm sự: “Ưu điểm của việc chế biến là mình hoàn toàn có thể tận dụng được hết các trái xoài loại 2, loại 3, những trái xoài có hình thức không đẹp nhưng chất lượng thịt trái thì hoàn toàn không hề thua kém xoài tươi loại 1 để chế biến. Giải pháp chế biến không chỉ giúp đa dạng hơn các sản phẩm từ trái xoài mà còn là giải pháp hiệu quả giúp nhà vườn chúng tôi giải quyết sản lượng xoài ùn ứ vào các vụ mùa. Hiện tại, trung bình mỗi tháng, cơ sở chúng tôi cung ứng khoảng 180kg xoài sấy thành phẩm (ước khoảng 1,8 tấn xoài tươi), với giá bán từ 550.000 - 600.000 đồng/kg. Sản phẩm xoài sấy dẻo đang mang lại giá trị gia tăng cao hơn gấp 2,5 lần so với việc chỉ bán sản phẩm xoài tươi”.
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển các dòng sản phẩm xoài chế biến phục vụ người tiêu dùng, anh Võ Duy Khánh - thanh niên khởi nghiệp ở Đồng Tháp còn tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm từ trái xoài để phát triển mô hình nuôi ruồi lính đen. Bên cạnh cung cấp ấu trùng ruồi lính đen phục vụ cho chăn nuôi, anh Khánh còn phát triển thêm các dòng sản phẩm chế phẩm sinh học được thủy phân từ ấu trùng ruồi lính đen phục vụ lại ngành trồng trọt. Hiện tại, với mô hình nuôi ruồi lính đen, trung bình mỗi ngày, trang trại của anh Khánh tiêu thụ 2 - 3 tấn phụ phẩm từ trái xoài. Đồng thời, mỗi ngày trang trại cũng cung cấp khoảng 100kg ấu trùng và trên 300 lít chế phẩm sinh học được chiết xuất từ ấu trùng ruồi lính đen thủy phân. Các dòng sản phẩm dịch thủy phân từ ấu trùng ruồi lính đen của Công Ty TNHH Công Nghệ ENDOTA do anh Võ Duy Khánh làm chủ đang cung cấp rộng rãi đến hầu hết các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
Anh Võ Duy Khánh (bên phải) với mô hình nuôi ruồi lính đen từ việc tận dụng các phụ phẩm của trái xoài
Nếu nhìn ở góc độ kinh tế tuần hoàn thì tiềm năng từ ngành hàng xoài của Đồng Tháp hiện còn rất lớn. Thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến và chế biến sâu sẽ là xu hướng tương lai để ngành hàng xoài phát triển bền vững. Chỉ khi phát triển đa dạng hóa các sản phẩm từ xoài thì gánh nặng thị trường đối với sản phẩm xoài tươi mới có thể giảm bớt. Đẩy mạnh chế biến thị trường sẽ “nở” ra, khi đó, nông dân không còn quá phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ sản phẩm tươi nữa và cũng là giải pháp bền vững để nâng cao giá trị cho trái xoài.
Mỹ Lý