Nhiều nhiệm vụ khoa học phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Cập nhật ngày: 03/03/2023 10:35:31

ĐTO - Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phổ biến đến các đơn vị chuyên môn để làm căn cứ đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ công tác bảo tồn, phát triển các giống cây con đặc thù có giá trị cao của tỉnh.

Trong việc xây dựng kế hoạch bảo tồn các nguồn gen quý, nhất là khu Ramsa thứ 2000 của thế giới tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, Sở đã đánh giá nghiệm thu đề tài “Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Tràm Chim thích ứng với biến đổi khí hậu” để bàn giao sản phẩm khoa học đến các đơn vị có liên quan và triển khai việc cung cấp danh mục của các loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn và định hướng phát triển du lịch của tỉnh.

Năm qua, Sở KH&CN chọn lựa các nội dung nghiên cứu, ứng dụng tập trung vào việc bảo tồn loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và bảo tồn, lưu giữ nguồn gen loài đặc hữu, quý hiếm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế để tham mưu phê duyệt và tổ chức triển khai các thực hiện theo quy định và bố trí nguồn kinh phí được giao; tiếp tục phổ biến đến các tổ chức, cá nhân Kế hoạch số 192/KH-UBND ngày 18/7/2017 về ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, để đề xuất thực hiện các nhiệm vụ về bảo tồn, phát triển và sử dụng hợp lý các nguồn gen động, thực vật tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh và trong vùng, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn.

Sở cũng tiếp tục phối hợp các viện, trường triển khai nghiên cứu về sử dụng bền vững tài nguyên; tiếp nhận chuyển giao ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Chẳng hạn, phổ biến kết quả đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bông lau”, đơn vị chủ trì đề tài đã chủ động được quy trình sản xuất giống, nhằm góp phần đa dạng hóa vật nuôi, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và hạn chế xâm hại của con người đến nguồn lợi động vật hoang dã tự nhiên; nguồn giống bố mẹ vẫn đang được lưu giữ, bảo quản. Đề tài “Nghiên cứu và phát triển giống lúa mùa nổi trong hệ canh tác lúa, cá cho vùng ngập lũ tỉnh Đồng Tháp” đã được đánh giá nghiệm thu và đưa vào ứng dụng năm 2023; kết quả đã bảo tồn và tuyển chọn 3 giống lúa mùa phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu tại địa phương, có năng suất chất lượng tốt, góp phần nâng cao thu nhập của người dân thông qua việc tận dụng các vùng bãi bồi để canh tác.

Kết quả dự án nông thôn miền núi “Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất một số chủng loại hoa chủ lực tại Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp” đang ứng dụng tại Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh nhằm đa dạng hóa chủng loại hoa, tiếp nhận kỹ thuật mới trong nhân giống hoa, xây dựng mô hình sản xuất hoa liên kết tiêu thụ và phục vụ du lịch tại Làng hoa Sa Đéc. Đối với 2 nhiệm vụ đặt hàng Viện Cây ăn quả miền Nam gồm: đề tài “Cải thiện phẩm chất trái quýt hồng huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp” và đề tài: “Cải thiện giống hoa hồng lửa và hoa cúc Tiger phù hợp với Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp” đã chọn được giống ưu tú, có triển vọng để phát triển giai đoạn 2 trước khi đưa vào thương mại hóa (2 nhiệm vụ này đang trong giai đoạn thẩm định kinh phí). Ngoài ra, các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở đã tập trung các nội dung sinh sản nhân tạo giống tự nhiên, lai cải tạo giống, bảo tồn giống đặc hữu (mận Hòa An, hoa hoàng đầu ấn), chọn lọc các giống vi sinh vật có lợi tạo giải pháp bảo vệ thực vật theo hướng đối kháng sinh học góp phần phục vụ công tác phát hiện, bảo tồn và tăng tính đa dạng sinh học loài của tỉnh (vi sinh vật xử lý ao nuôi cá sặc rằn, xử lý bệnh trên ếch).

Đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị cây sen Đồng Tháp, Sở KH&CN đã nghiệm thu Đề án “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp”, đây là cơ sở cho việc xây dựng các danh mục nhiệm vụ KH&CN để phát triển chuỗi giá trị cây sen.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn