Tập trung cải thiện Chỉ số xanh cấp tỉnh năm 2023

Cập nhật ngày: 05/07/2023 16:23:58

ĐTO - Thời gian qua, các ngành, các cấp của tỉnh Đồng Tháp triển khai, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp có liên quan nhằm cải thiện Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022, góp phần khuyến khích sự quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường (BVMT) và phát triển bền vững trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh.


Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Lấp Vò thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022 là năm đầu tiên đơn vị xây dựng bộ chỉ số PGI. Theo đó, PGI là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp (DN) tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của DN, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác...

Theo đó, qua công bố của VCCI, năm 2022, về chỉ số PGI, Đồng Tháp xếp hạng 42 đạt điểm số 14,33 gồm các chỉ số thành phần: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu 3,55/10 điểm (xếp hạng 26); bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu 4,96/10 điểm (xếp hạng 40); thúc đẩy thực hành xanh 3,88/10 điểm (xếp hạng 41); chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong BVMT 1,98/10 điểm (xếp hạng 28). Đồng Tháp dẫn đầu cả nước về chỉ số quản trị môi trường, Chỉ số nội dung về quản trị môi trường đứng đầu cả nước và tiếp tục duy trì vị trí này trong 5 năm liên tục (2018 - 2022).

Với công tác BVMT, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản. Đồng thời đưa ra nhiều kế hoạch triển khai thực hiện, toàn hệ thống chính trị chú trọng công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và BVMT; quan tâm công tác BVMT trong thu hút đầu tư, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ưu tiên công nghệ xanh, công nghệ thân thiện môi trường, tiêu tốn ít nhiên liệu, hạn chế tác động đến môi trường; thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo áp lực cho DN; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh; khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp phối hợp các sở, ngành và UBND huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý về BVMT. Trong đó, tuyên truyền, giáo dục về BVMT được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý nhà nước về BVMT; tổ chức kiểm tra 472 cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó phát hiện 45 cơ sở vi phạm và quyết định xử phạt với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Qua các đợt kiểm tra, đã hướng dẫn, nhắc nhở các công ty, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính về môi trường cũng như kịp thời khắc phục những nội dung còn tồn tại, chưa thực hiện đúng quy định; kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường, chưa xây dựng hoàn thiện các công trình xử lý ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp quản lý, kiểm soát trong hoạt động thu gom, xử lý chất thải y tế, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải trong nông nghiệp cũng được thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý các loại chất thải này, trong đó có 100% chất thải y tế tại các cơ sở y tế, 100% chất thải rắn công nghiệp từ các công ty, DN trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý.

Ông Hồ Thanh Phương - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp, cho biết: “Tỉnh triển khai nhiều giải pháp cải thiện Chỉ số PGI năm 2023. Trong đó, tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Trung ương và của tỉnh; tiếp tục rà soát, cập nhật bộ thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thuộc lĩnh vực môi trường; tham mưu đề xuất cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính do ngành phụ trách như đất đai, môi trường... phối hợp các sở, ban, ngành và đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền phổ biến, triển khai sâu rộng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”.

Cùng với đó, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư tập trung, các khu nuôi trồng thủy sản; tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nguy hại... tại các địa phương; hỗ trợ hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý giảm thiểu, tái chế, chôn lấp chất thải thông thường; vận hành hoạt động các bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh; hỗ trợ các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải.

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn