Đồng hành trong công tác bảo vệ môi trường

Cập nhật ngày: 14/06/2023 16:51:01

ĐTO - Thời gian qua, Đồng Tháp quan tâm thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường. Qua đó, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các ngành, các cấp và người dân được nâng cao; lồng ghép bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của địa phương. Đối với các dự án đầu tư mới đều được thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định...

Về phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung tăng cường thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, không khí, đất, nước ngầm, trầm tích để theo dõi, giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Qua đó, chỉ đạo thực hiện tốt quy định về phân vùng xả thải nước thải, từng bước cải thiện công tác quản lý, kiểm soát, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông, các kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các sự cố lớn, gây tác động xấu đến môi trường.

Hướng đến bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm soát, ngăn ngừa xử lý các hành vi vi phạm đối với tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài động, thực vật quý hiếm, ưu tiên bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Công tác bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được tỉnh quan tâm với nhiều chính sách ưu tiên cho việc bảo tồn kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại 4 khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan gồm: Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích lịch sử Xẻo Quít, Khu di tích Gò Tháp. Tiếp tục thực hiện mô hình khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng, cho phép người dân được vào khai thác có kiểm soát nguồn tài nguyên sinh vật trong Vườn Quốc gia Tràm Chim, đồng thời chia sẻ lợi ích từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý giữa người dân và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim. Hiện nay, Đồng Tháp có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 12.386ha. Trong đó, tổng diện tích đất có rừng là 6.161ha (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất).

Hàng năm, Đồng Tháp thực hiện chương trình quan trắc chất lượng môi trường không khí, nước. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh tương đối tốt, chưa có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng. Môi trường nước (nước mặt) so với các năm trước đây mức độ ô nhiễm tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ, cho thấy công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được tỉnh thực hiện có hiệu quả, ý thức của doanh nghiệp và người dân dần tăng lên. Kết quả phân tích chất lượng đất năm 2022 và các năm trước đây cho thấy, tất cả các chỉ tiêu phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép.

Đối với công tác xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện và đi vào hoạt động 2 Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung (Khu xử lý Đập Đá, huyện Cao Lãnh và Khu xử lý Bình Thạnh, TP Hồng Ngự) và 1 Khu xử lý cho các xã cù lao.

Đồng Tháp hiện có 20 đô thị với tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh ước tính 140.530 m3/ngày. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung TP Cao Lãnh với công suất 10.000m3/ngày, đêm, đối với các đô thị còn lại chỉ được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại (đối với hộ gia đình) trước khi thoát vào các nguồn tiếp nhận. Dự kiến, năm 2023, tỉnh tiếp tục thực hiện các công trình xử lý nước thải sinh hoạt với quy mô cụm, tuyến dân cư quy mô tương đương 200m3/ngày, đêm tại các huyện: Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành.

Hiện tỉnh Đồng Tháp có 3 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động gồm: KCN Sa Đéc, KCN Sông Hậu và KCN Trần Quốc Toản và 1 KCN đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (KCN Tân Kiều). Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu gom, xử lý nước thải phát sinh từ hoạt động của các nhà máy trong khu công nghiệp.

Tương tự, tỉnh Đồng Tháp hiện có 15 cụm công nghiệp được thành lập. Đến nay, có 5 cụm đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung trong cụm đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường quy định trước khi xả thải vào nguồn tiếp nhận. Đối với các cụm còn lại, mặc dù chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng các cơ sở hoạt động trong cụm đều tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường quy định trước khi xả thải vào nguồn tiếp nhận.

Về phát triển thị thường và thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường, hiện nay, tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư các dự án về bảo vệ môi trường, nhất là các dự án xử lý chất thải theo công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường.

Định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển ngành công nghiệp môi trường; triển khai các hoạt động hỗ trợ, trợ giúp doanh nghiệp hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường; chú trọng kêu gọi nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo, dụng cụ, thiết bị bảo vệ môi trường... tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh theo quy hoạch. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển dịch vụ môi trường; phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm...

Thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát các khu, cụm công nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, cải tạo, nâng cấp các công trình bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm những đơn vị không khắc phục triệt để; các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn