Khai thác tiềm năng nông sản từ công nghệ sau thu hoạch
Cập nhật ngày: 01/08/2017 07:21:30
ĐTO - Đồng Tháp đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đẩy mạnh công nghệ sau thu hoạch là một trong những giải pháp tối ưu giúp nông nghiệp tỉnh nhà phát triển.
Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp nông dân giảm chi phí đầu vào
Áp dụng cơ giới hóa, công nghệ sau thu hoạch vào sản xuất
Để người nông dân tiết kiệm chi phí, tạo ra năng suất cao hơn, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, thời gian qua, Đồng Tháp đã đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.700 máy gặt đập liên hợp, gần 1.500 trạm bơm điện và trên 500 lò sấy...
Trong quá trình thử nghiệm, áp dụng cơ giới vào sản xuất, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển những mô hình cơ giới hóa hiệu quả. Cụ thể như mô hình ứng dụng máy cấy lúa trong sản xuất lúa hàng hóa. Hiện tại, toàn tỉnh có 51 máy cấy lúa. Diện tích cấy bằng máy đạt trên 1.000 ha/vụ. Tuy chi phí cấy lúa bằng máy cao hơn phương pháp cấy truyền thống (thuê máy cấy khoảng 4 triệu đồng/ha) nhưng ưu điểm của phương pháp này là kiểm soát được lượng giống canh tác, đảm bảo đúng mật độ gieo trồng nên lượng hạt giống sản xuất giảm (chỉ 40 - 60kg/ha), kéo theo chi phí đầu tư phân, thuốc giảm và năng suất đảm bảo nên lợi nhuận thu về cuối vụ cao hơn so với lúa sạ thủ công khoảng 8 triệu đồng/ha.
Mô hình máy lên liếp trồng dưa cũng mang lại hiệu quả tích cực giúp ích cho người nông dân giảm chi phí trong canh tác. Về hiệu quả kinh tế, thay vì nếu người dân muốn thực hiện lên liếp 1.000m2 thì phải thuê 15-20 nhân công, chi khoảng 1,5 triệu đồng, với mô hình này bà con chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng, tiết kiệm được gần 500 ngàn đồng và thời gian thực hiện nhanh chóng, hạn chế thiếu hụt nhân công.
Đáng chú ý chính là mô hình hệ thống tưới tự động phục cho canh tác cây ăn trái (nhãn, thanh long, chanh, xoài). Theo quan sát trong quá trình thử nghiệm, lợi nhuận từ hệ thống tưới tự động mang lại so với tưới bằng mô-tơ là 130 ngàn đồng/lần (nhãn, chanh, thanh long). Trung bình, mỗi hộ tưới 10 lần/tháng, khoảng 8 tháng/năm, suy ra hệ thống tưới tự động giúp nông dân tiết kiệm được trên 10 triệu đồng/năm.
Riêng trên cây xoài, lợi nhuận của hệ thống tưới tự động so với tưới bằng mô-tơ cao hơn, hàng năm tiết kiệm được gần 26 triệu đồng. Bên cạnh đó, hệ thống này còn giúp nhà vườn tiết kiệm chi phí tưới rửa bông trong những ngày thời tiết bất thường là 670 ngàn đồng/lần; tiết kiệm chi phí tưới diệt bọ trĩ trong những tháng nắng trên 2 triệu đồng/tháng.
Ngoài áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất tiết kiệm chi phí đầu vào, thời gian qua nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm chế biến đa dạng từ nông sản như chiết xuất tinh dầu cám gạo, chiết xuất tinh chất từ cây sen, phục vụ lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng; nấm rơm sạch; xoài sấy, bánh tráng xoài; mãng cầu xiêm sấy...
Anh Đặng Quý Ngọc - Giám đốc doanh nghiệp Thuận Thiên Thành (huyện Lai Vung) cho biết: “Nhận thấy tiềm năng đối với trái mãng cầu xiêm còn nhiều, vì vậy ngoài sản phẩm mãng cầu tươi đóng hộp thì công ty quan tâm nghiên cứu, đầu tư công nghệ chế biến để cho ra đời sản phẩm mãng cầu xiêm sấy. Sau thời gian ra mắt, đến nay sản phẩm này được thị trường ưa chuộng”.
Sản phẩm trà lá sen
Góp phần giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thay đổi công nghệ sản xuất mới nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh chú trọng hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp thực hiện đề án, mô hình trình diễn. Hiệu quả mang lại sau khi kết thúc đề án rất thiết thực. Đơn cử như đề án Khuyến công địa phương “Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất trà lá sen Hà Diệp liên” cho Công ty TNHH MTV SXTMDV Khánh Thu (huyện Tháp Mười). Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, công ty đã đầu tư thiết bị máy hoàn thiện quy trình sản xuất, tăng công suất lên gấp 3 lần so với trước đây. Hàng năm, doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 120 tấn lá sen, nguồn nguyên liệu sẵn có và tạo thêm thu nhập cho lao động địa phương.
Cần khai thác hết tiềm năng của nông sản
Dù thời gian qua, việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch để bảo quản, chế biến sản phẩm được áp dụng nhưng vẫn chưa nhiều nên thực trạng “giải cứu nông sản” trong nước vẫn cứ tiếp tục tái diễn. Đồng Tháp cũng không ngoại lệ, nhiều lúc nông sản đến thời gian thu hoạch mà giá quá thấp khiến nông dân gặp nhiều khó khăn phải gánh thêm chi phí khiến việc thua lỗ càng thêm nặng.
Nhiều chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, nguyên nhân của vấn đề trên chính là thiếu công nghệ sau thu hoạch nên chưa nhiều sản phẩm được chế biến, gây lãng phí nguồn tài nguyên sẵn có. Theo các chuyên gia, hiện nay tổn thất sau thu hoạch còn quá lớn khoảng 14% đối với lúa gạo, 25 - 30% với rau, củ, quả...
Ông Võ Hạnh Thìn - Trưởng Phòng Khuyến nông trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh dẫn chứng, Đồng Tháp sở hữu diện tích canh tác lúa khá lớn, sản lượng lúa hàng năm trên 3,3 triệu tấn. Với sản lượng trên, hàng năm cho trên 680.000 tấn trấu và 224.000 tấn cám. Các phụ phẩm này có nhiều tiềm năng lớn. Đơn cử như vỏ trấu có thể ép thành củi để làm nguyên liệu đốt (2kg trấu tương đương 1kg than đá), cám gạo có thể trích ly để lấy dầu, phôi gạo có nhiều chất dinh dưỡng nhưng hiện vẫn chưa được khai thác triệt để...
Riêng công đoạn bảo quản và cất trữ gạo được doanh nghiệp quan tâm nhưng cũng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các kho bảo quản gạo của các doanh nghiệp chỉ dừng lại đúng nghĩa là “kho chứa”, thiếu các kho kín hiện đại để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm của gạo vì thế sản phẩm bảo quản chỉ được khoảng nửa năm. Nếu để lâu hơn thì gạo bị vàng, chất lượng thấp. Hiện tượng này, các chuyên gia nhận định đó là việc “mất mùa trong kho”.
Để sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu, tỉnh đã có kế hoạch phát triển cơ giới hóa đến năm 2020 tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với cây lúa, ngoài khâu làm đất, gieo trồng, cấy, thu hoạch được thực hiện bằng cơ giới từ trên 85% thì khâu sấy có trên 65% ứng dụng công nghệ kiểm soát tự động quá trình sấy. Trong khâu bảo quản, cơ giới hóa tại kho đạt 80% với hơn 60% được tự động hóa. Đối với cây ăn trái cũng tương tự, trong đó khâu bảo quản được thực hiện tại chỗ theo hướng bọc màng bán thấm; ứng dụng công nghệ chiếu xạ, tiệt trùng đối với một số loại trái cây tươi xuất khẩu.
Riêng việc đẩy mạnh công nghệ sau thu hoạch, ông Nguyễn Văn Công cho rằng, người nông dân rất khó để đầu tư các công nghệ sau thu hoạch vào sản xuất do nguồn vốn hạn chế, chỉ có doanh nghiệp mới có thể thực hiện được. Bài toán có thể tháo gỡ giúp đầu ra thông thoáng và nâng cao giá trị cho nông sản chính là người nông dân cần liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, người nông dân cần áp dụng các quy trình sản xuất an toàn để việc liên kết trong chế biến được thuận lợi hơn.
Ông Tống Văn Phong - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) quýt đường Vĩnh Thới cho biết, việc sản xuất theo hướng sạch đã giúp nông sản của THT quýt đường Vĩnh Thới được doanh nghiệp tiêu thụ cao hơn thị trường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Hiện nay, THT quýt đường Vĩnh Thới cũng đang đặt vấn đề với doanh nghiệp tiêu thụ loại nông sản này để chế biến thành nước ép đóng lon. Nếu việc hợp tác thuận lợi sẽ giúp nông sản của địa phương tạo ra những giá trị mới”.
Theo các chuyên gia, hiện nay, tổn thất sau thu hoạch còn quá lớn, khoảng 14% đối với lúa gạo, 25 - 30% với rau, củ, quả...
|
Y DU