Khảo sát bệnh lạ trên cây quýt
Cập nhật ngày: 04/08/2017 12:05:53
Thời gian gần đây, bà con nhà vườn huyện Lai Vung phát hiện một loại bệnh lạ trên cây quýt. Biểu hiện của bệnh này là ban đầu cây quýt bị vàng đọt, sau đó lan ra khắp toàn bộ phần lá và bị chết cây.
Khảo sát vườn quýt
Vườn quýt hồng 6.000m2 của anh Nguyễn Văn Vuông ở ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu là một trong số nhiều vườn quýt xuất hiện bệnh này và tỷ lệ thiệt hại khoảng 15%. Với diện tích 6.000m2, anh Vuông trồng khoảng 300 cây quýt hồng, năm nay cho trái năm đầu tiên. Vườn quýt đang sum xuê, xanh tốt, trái sai, hy vọng sẽ thu hoạch vụ quýt đầu tiên đạt năng suất và sản lượng khá nhưng khoảng 3 tháng gần đây, vườn quýt bộc phát bệnh, dù anh Vuông đã vài lần xử lý bằng cách phun xịt các loại thuốc thường dùng, nhưng chưa có kết quả. Dịch bệnh vẫn tiếp tục phát triển thêm ở những cây quýt khác.
Theo các nhà vườn, bệnh không chỉ xuất hiện trên cây quýt hồng mà còn xuất hiện trên quýt đường với những biểu hiện tương tự. Ngoài vườn quýt ở xã Long Hậu, vườn quýt ở các xã Tân Thành, Tân Phước cũng nhiễm bệnh.
Theo đề nghị của ngành chức năng huyện Lai Vung, vừa qua, Nhà khoa học Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Văn Hâu, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ đã đến khảo sát một số vườn quýt ở xã Tân Thành, Long Hậu. Nhận định ban đầu của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Văn Hâu thì đây là bệnh vàng lá thối rễ, là bệnh đã được ghi nhận từ lâu, dấu hiệu của nó là vàng lá, gân lá cũng vàng. Đào đất lên thấy rễ vàng và sau đó cây chết.
Tiến sĩ cho biết, áp dụng quy trình phòng trị bệnh vàng lá thối rễ phải sử dụng hóa chất tiêu diệt nấm salizum, làm cho vườn thông thoáng đặc biệt mùa mưa, vì mưa dầm sẽ úng rễ, hạn chế bón phân đạm, tăng cường bón kali để giúp cây tăng sức đề kháng; cắt bỏ trái để tập trung dưỡng cây.
Vàng lá thối rễ không phải là bệnh mới, mà đã xuất hiện từ những năm trước đây trên các vườn cây có múi, dưới sự hướng dẫn của nhà khoa học, nhà vườn đã dập được dịch, nay đột nhiên bùng phát trở lại. Tiến sĩ Trần Văn Hâu cho rằng, cần phải thực hiện cuộc điều tra mới biết được nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát lần này.
Để giúp nhà vườn phòng trị bệnh có hiệu quả, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hâu đã tập huấn cho trên 50 nhà vườn và nhiều cán bộ kỹ thuật tại địa phương; nhắc nhở nhà vườn về một số nguyên nhân có thể mắc phải và hướng dẫn phun xịt thuốc phòng trừ.
Quýt hồng, một loại cây có múi đặc trưng đã có hơn trăm năm nay ở huyện Lai Vung. Trước diễn biến của thời tiết, khí hậu, khiến cho cây quýt hồng phải đối mặt với nhiều dịch bệnh. Bà con nhà vườn huyện Lai Vung rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các nhà khoa học để cây quýt hồng phát triển bền vững trên đất Lai Vung.
Mỹ Thức