Nâng tầm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Cập nhật ngày: 16/10/2022 15:22:26
ĐTO - Những năm qua, sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh Đồng Tháp ngày càng phát triển và có được vị thế nhất định trên thị trường. Với việc có nhiều sản phẩm được công nhận là công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) từ cấp tỉnh đến cấp Quốc gia, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng, khả năng cạnh tranh và tạo cơ hội cất cánh vươn xa.
Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Hương Sen Việt (TP Cao Lãnh) luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm thế mạnh từ sen
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) Đồng Tháp, 10 năm qua, từ khi Chương trình bình chọn sản phẩm CNNTTB được Bộ Công Thương phát động, Sở Công Thương đã tổ chức 9 kỳ bình chọn. Qua đó, có 280 cơ sở với 353 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn, kết quả có 189 sản phẩm được công nhận CNNTTB. Việc bình chọn sản phẩm CNNTTB là một trong những nội dung được quan tâm, thu hút được nhiều doanh nghiệp, cơ sở tham gia, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ đó, phát hiện được nhiều sản phẩm có chất lượng, có giá trị cao, có tiềm năng phát triển, mở rộng thị trường và mang tính đặc trưng của tỉnh.
Những năm qua, Sở Công Thương Đồng Tháp đã quan tâm, ưu tiên xem xét hỗ trợ phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp Quốc gia với nhiều chương trình trọng tâm. Trong đó, hỗ trợ 57 cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Từ đó, kịp thời giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu.
Sở Công Thương cũng phối hợp cùng các ngành liên quan thành lập Trung tâm giới thiệu, trưng bày đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội; hình thành điểm trưng bày, giới thiệu đặc sản Đồng Tháp tại TP Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá các đặc sản của tỉnh, kết nối thị trường Hà Nội, miền Bắc, TP Hồ Chí Minh; tổ chức 30 đợt tham gia hội chợ về công nghiệp - thương mại, hội chợ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... Các chương trình đã hỗ trợ DN kết nối, tìm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các kỳ hội chợ, nhằm gắn kết giao thương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các đợt kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố lớn; phối hợp tổ chức Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp trên sàn thương mại điện tử Tiki; tạo dựng mối quan hệ gắn kết với các nhà phân phối hiện đại như: Sài Gòn Co.op, Big C, Vincommerce, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh... góp phần hỗ trợ các DN quảng bá, kết nối tiêu thụ, giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa.
Trong năm 2022, có 35 bộ sản phẩm, sản phẩm của 33 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh được lựa chọn tham gia bình chọn sản phẩm CNNTTB khu vực phía Nam. Kết quả, có 18 bộ sản phẩm của 18 cơ sở đạt chứng nhận sản phẩm CNNTTB khu vực phía Nam năm 2022.
Ông Thái Thanh Bình - Chủ DNTN Sản xuất thực phẩm chay Bình Loan, TP Cao Lãnh (đơn vị có sản phẩm đạt danh hiệu CNNTTB) cho biết: “Sản phẩm thực phẩm chay mang thương hiệu Bình Loan đạt chứng nhận sản phẩm CNNTTB là điều kiện tốt để đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu. Trong năm vừa qua, dù trải qua nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng đơn hàng về đơn vị vẫn tăng trưởng đều. Để đa dạng hóa sản phẩm, công ty phát triển thêm một số loại thạch mới, phù hợp với thị hiếu của khách hàng”.
Ông Tào Tấn Tài - Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp cho biết: “Thông qua các cuộc bình chọn sản phẩm CNNTTB tạo động lực rất lớn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tích cực hơn trong việc cải tiến công nghệ, chú trọng mẫu mã, bao bì, mở rộng quy mô sản xuất... Từ đó, làm ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu. Các cơ sở công nghiệp nông thôn đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, vùng, miền, góp phần gia tăng giá trị ngành công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động và thu nhập ở địa bàn nông thôn, góp phần hoàn thành những chỉ tiêu quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh”.
Cùng với đó, các chương trình hỗ trợ bước đầu đã khuyến khích, tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; chủ động kết nối với các chuỗi cung ứng, siêu thị, chợ đầu mối... góp phần tiêu thụ sản phẩm.
Nhật Nam