Huyện Thanh Bình
Phát triển bền vững Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Cập nhật ngày: 05/04/2023 13:41:35
ĐTO - Thời gian qua, huyện Thanh Bình thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, đặc thù đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, nông dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ, giảm giá thành, liên kết sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ nông sản... góp phần cải thiện đời sống Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (bên phải) thăm mô hình sản xuất rau màu trên đất lúa của Tổ hợp tác số 4 (Ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình)
Theo UBND huyện Thanh Bình, năm 2023, địa phương phấn đấu tổng diện tích gieo trồng lúa khoảng 51.000ha, với tổng sản lượng 336.700 tấn; tổng diện tích gieo trồng ớt khoảng 900ha, với sản lượng 13.500 tấn; phấn đấu có hơn 2.378ha diện tích trồng xoài, với sản lượng 128.000 tấn... Các diện tích canh tác nông nghiệp đều hướng đến mục tiêu liên kết tiêu thụ.
Trong đó, huyện Thanh Bình sẽ thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực (lúa, ớt, bắp, xoài, mít, cá tra và vịt) gắn với nội dung “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Đa dạng sản phẩm” theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tăng tỷ trọng những ngành hàng có giá trị, thị trường mang lại hiệu quả cao cho sản phẩm nông nghiệp; đổi mới quan hệ sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyển đổi số trong nông nghiệp; lấy nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP làm nền tảng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng...
Để thực hiện hiệu quả, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Thanh Bình sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, ớt, bắp, xoài, mít, cá tra, vịt gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trên cơ sở củng cố hoạt động của hợp tác xã, hội quán hiện có tham gia liên kết chặt chẽ với công ty, doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, cơ giới hóa nông nghiệp vào chuỗi giá trị của các ngành hàng chủ lực...
Bên cạnh đó, huyện Thanh Bình chú trọng tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô tập trung, tạo ra nguồn nguyên liệu lớn, đảm bảo cung ứng, liên kết tiêu thụ với các kênh phân phối hiện đại và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hợp tác xã, hội quán và nông dân tham gia thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, nhất là thực hiện tốt việc sản xuất rải vụ nhằm đảm bảo chủ động nguồn nguyên liệu cung ứng cho thị trường.
Đồng thời tăng cường thực hiện các hoạt động, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hội quán tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, tham gia hội chợ triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm. Triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để hỗ trợ phát triển sản phẩm của địa phương...
NHẬT NAM