Hành trình Sen hồng kết nối vươn xa
Cập nhật ngày: 13/12/2023 08:30:27
ĐTO - Với tinh thần không ngừng kết nối, không ngừng tìm kiếm cơ hội để Đồng Tháp phát triển nhanh và bền vững. Vừa qua, đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp làm Trưởng đoàn công tác có chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Hà Lan và Cộng hòa Ba Lan.
Tại 2 quốc gia này, Đoàn đã đến thăm và làm việc với 2 Đại sứ quán Việt Nam ở 2 nước sở tại để tìm hiểu, nắm tình hình quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế, văn hóa - xã hội của Việt Nam và nước bạn, cũng như hoạt động của người Việt Nam tại nước bạn. Qua thông tin của Đại sứ quán cho thấy, mối quan hệ giữa Việt Nam và 2 nước bạn rất tốt, nước bạn cũng có nhiều thiện cảm với Việt Nam, rất thuận lợi cho các hoạt động thương mại, hợp tác đầu tư, giao lưu văn hóa.
Đoàn công tác của tỉnh Đồng Tháp chụp ảnh lưu niệm với đại diện Trung tâm Nhà vườn thế giới tại Hà Lan
Đoàn đã có buổi trao đổi với chính quyền tỉnh Westland, tại Vương quốc Hà Lan về những chính sách thu hút phát triển trong nông nghiệp và được địa phương thông tin nhà nước chỉ đóng vai trò trong kết nối, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, thương mại và quản lý tốt đất nông nghiệp không bị chia nhỏ, chuyển mục đích không theo quy hoạch; phần còn lại người dân và doanh nghiệp phải tự cố gắng, nỗ lực sản xuất chất lượng, hạ giá thành thông qua việc ứng dụng công nghệ cao.
Chính quyền nước bạn nhận định việc sử dụng công nghệ, bảo đảm chất lượng là chìa khóa thành công của nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cũng tương đồng với định hướng của tỉnh Đồng Tháp trong việc phát triển Hội quán trên phương châm “3 tự” là tự nguyện, tự quản, tự quyết định và “3 cùng” là cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng và dần hình thành nên các hợp tác xã để cùng chung sản xuất quy mô lớn, chất lượng bảo đảm, giảm giá thành thông qua việc sử dụng cơ giới hóa, công nghệ hóa. Tỉnh Đồng Tháp xác định đúng hướng đi trong nông nghiệp. Chúng ta phải cùng chung tay xây dựng lực lượng “Nông dân chuyên nghiệp” để hình thành nền “Nông nghiệp chuyên nghiệp”.
Tại Cộng hòa Ba Lan, Đoàn công tác đã làm việc với Chính quyền TP Gdansk, Cục Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Ba Lan, Trung tâm Hỗ trợ Nông nghiệp Quốc gia Ba Lan, Phòng Thương mại Ba Lan. Theo nhận định của các đơn vị bạn, chính quyền tập trung nhiều vào nhiệm vụ chia sẻ, kết nối, người dân và doanh nghiệp phải chủ động, các chính sách không hỗ trợ bằng tiền mà bằng các chương trình quảng cáo sản phẩm, tham dự các hội chợ, xúc tiến ở các thị trường mới, kết nối với doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác và thương mại sản phẩm.
Các đơn vị Ba Lan khẳng định hàng hóa vào Ba Lan sẽ rất thuận lợi vào các nước Châu Âu, các doanh nghiệp Đồng Tháp có thể mở công ty ở Ba Lan để đưa hàng hóa vào thương mại Ba Lan và trung chuyển đi nhiều thị trường khác. Hiện tại, Ba Lan đang trong quá trình bứt phá, cần rất nhiều lực lượng lao động trình độ cao và rất nhiều người Việt Nam qua du học, sau đó ở lại Ba Lan lập nghiệp rất thành công, cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan hoạt động rất hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Ba Lan và thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện, được chính quyền Ba Lan đánh giá cao. Chính quyền nước bạn đang thực hiện đơn giản hóa các thủ tục cấp visa cho người nước ngoài vào Ba Lan để thu hút mọi nguồn lực phát triển đất nước.
Trong chuyến công tác, Đoàn đã đến một số nhà vườn, công ty, trung tâm thương mại. Qua trao đổi, nghiên cứu cho thấy, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đều được đầu tư chỉn chu, công đoạn của bộ phận nào thì bộ phận đó phải làm tốt nhất, có như thế thì cả chuỗi mới tốt được. Có những doanh nghiệp chỉ trồng một hai loại cây, nghiên cứu vài ba loại giống, nhưng họ chiếm lĩnh phần lớn thị trường trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia, tạo ra những công ty gần trăm năm. Nông nghiệp chuẩn mực từ khâu làm giống tới khâu trồng trọt, thương mại và việc sử dụng công nghệ, máy móc đúng kiểu “Công nghiệp hóa nông nghiệp”. Hay những công ty làm trong lĩnh vực chế biến nông sản, họ hướng đến giá trị tốt nhất cho khách hàng và tận dụng tốt nhất các phụ phẩm trong nông nghiệp, đó là định hướng phát triển sản phẩm của công ty, chứ không chỉ là lợi nhuận.
Và chuyến đi thật nhiều ý nghĩa khi Đoàn công tác được gặp gỡ, làm việc với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan và nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan trong bầu không khí nồng ấm, cởi mở giữa chính quyền và doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành và chia sẻ. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, lần đầu tiên có Đoàn công tác cấp tỉnh có đầy đủ thành viên Đảng lãnh đạo, UBND điều hành, Mặt trận Tổ quốc giám sát, sở, ngành, địa phương thực hiện chịu khó đi nghiên cứu, tìm hiểu thị trường với lịch trình làm việc dày đặc. Điều đó cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp mong muốn đưa hình ảnh, sản phẩm Đồng Tháp đi nhanh hơn, đi xa hơn và sẵn sàng tiếp đón nồng hậu những người bạn phương xa đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh.
Trong chuyến công tác, lãnh đạo tỉnh đã cho ý kiến đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Ba Lan đã ký biên bản ghi nhớ nhằm xúc tiến quá trình hợp tác trong thời gian tới với nhiều tiềm năng, thế mạnh của nhau. Tỉnh Đồng Tháp có thể là vùng nguyên liệu cho các công ty tại Ba Lan, là đối tác xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh: cá da trơn, trái cây sấy dẻo, gạo và sản phẩm sau gạo. Cộng hòa Ba Lan có thể liên doanh hoặc đầu tư trực tiếp sản xuất, phân phối các sản phẩm thịt chế biến, trái cây ôn đới, dược liệu, sữa và sản phẩm có nguồn gốc từ sữa... Chuyến công tác đã khép lại, nhưng mở ra hành trình hợp tác đầy hứa hẹn nhiều thành công mới, thắng lợi mới.
PHƯỚC TÀI