Hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người

Cập nhật ngày: 30/07/2023 15:02:35

ĐTO - Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (viết tắt là Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh) và các đơn vị thành viên triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Trong đó, tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa, tố giác tội phạm của người dân, không để hình thành các băng nhóm, đường dây tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh.


Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền phòng ngừa tội phạm mua bán người cho người lao động tại huyện Cao Lãnh

Căn cứ kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh, các sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai theo chức năng, nhiệm vụ. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên giám sát, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới, tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng... nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người. Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh. Đến tháng 6/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức 237 cuộc tuyên truyền, thu hút trên 9.230 lượt người tham dự; treo 66 băng - rôn tuyên truyền tại các khu vực đông dân cư; phối hợp xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục phòng, chống tệ nạn xã hội, tội phạm mua bán người trên Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp...

Các sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hướng dẫn người dân về cách thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo đi làm việc tại Campuchia với mục đích mua bán người và khuyến cáo những biện pháp cảnh giác, phòng ngừa. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền qua buổi sinh hoạt của các mô hình: “Tổ Phụ nữ xây dựng gia đình không tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Tổ phụ nữ tình thương và trách nhiệm”, “Tổ Phụ nữ pháp luật”, “Tổ Nhân dân tự quản”, “Câu lạc bộ phòng, chống buôn bán người” và các mô hình tham gia phòng, chống tội phạm ở địa bàn cơ sở. Qua đó, tổ chức được 2.155 cuộc tuyên truyền cho hơn 63.500 lượt người dân tại các địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới.

Triển khai nhiệm vụ phòng, chống mua bán người, Công an tỉnh tăng cường công tác nghiệp vụ, rà soát đối tượng và ngăn chặn các đường dây hoạt động phạm tội. Tập trung vào các địa bàn, khu vực trọng điểm về tội phạm mua bán người, các đối tượng sử dụng thủ đoạn tuyển dụng lao động “làm việc nhẹ lương cao” tại Campuchia để lừa bán vào các sòng bạc. Đồng thời phối hợp lực lượng Bộ đội biên phòng điều tra, nắm tình hình tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp - PrâyVeng; xây dựng kế hoạch nghiệp vụ nhằm phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hành vi mua bán người, xuất cảnh trái phép liên quan đến mua bán người...

Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh diễn biến ít phức tạp, chưa phát hiện, tiếp nhận mới vụ việc có liên quan đến tội phạm mua bán người. Phát huy kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh, các sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; khuyến khích, vận động Nhân dân chủ động phòng ngừa, kịp thời tố giác tội phạm mua bán người đến lực lượng chức năng. Các lực lượng chức năng phối hợp tuần tra, kiểm soát chặt biên giới nhằm phát hiện, ngăn chặn hoạt động đưa người xuất nhập cảnh trái phép, mua bán người, lừa đảo đưa người sang Campuchia làm việc...

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn