Hơn 80% người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có việc làm

Cập nhật ngày: 26/11/2012 13:33:21

Những năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Đồng Tháp khá ổn định. Một trong những nguyên nhân góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa phương là 80% người chấp hành xong án phạt tù về địa phương đều được chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở quan tâm quản lý, giáo dục, giúp đỡ, tạo công ăn việc làm để họ ổn định cuộc sống sớm tái hòa nhập cộng đồng.


Sơ kết công tác khảo sát người chấp hành xong án phạt tù về địa phương

Qua kết quả rà soát, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có trên 500 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Công tác đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng có nhưng chuyển biến tích cực và thu được những kết quả nhất định, góp phần tích cực vào việc hạn chế tình hình tội phạm, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Qua khảo sát 4.575 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, cơ quan Công an phát hiện 437 người tái vi phạm pháp luật (chiếm 9,5%). Nguyên nhân tái vi phạm pháp luật chủ yếu là do bản thân người chấp hành xong án phạt tù về địa phương chưa chịu rèn luyện sửa chữa, không có việc làm, do bạn bè xấu rủ rê lôi kéo và gia đình thiếu quan tâm, quản lý, giáo dục.

Để góp phần kéo giảm tỷ lệ tái vi phạm pháp luật của người chấp hành án phạt tù về địa phương, công tác tuyên truyền được xác định là rất quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người hoàn lương. Ngoài việc tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình địa phương, việc tuyên truyền trực tiếp tại các cụm địa bàn dân cư cũng được đẩy mạnh với hơn 70 điểm và 6.200 lượt người dự. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp còn phối hợp với hộ gia đình tạo điều kiện thuận lợi cho 3.671 người hoàn lương có việc làm ổn định (chiếm hơn 80% tổng số người đã khảo sát).

Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát xét chọn những người đã thật sự hoàn lương, Công an các địa phương tham mưu cho UBND các cấp tổ chức gặp mặt để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có nghề nghiệp, không có việc làm nhưng thật sự có nhu cầu cần giúp đỡ, hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm, học nghề... để UBND các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục giúp họ ổn định cuộc sống, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái phạm xảy ra.

Lê Hiếu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn