Phối hợp tốt công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm

Cập nhật ngày: 16/09/2023 12:52:06

ĐTO - Thực hiện Hiệp định về hợp tác song phương để loại trừ nạn mua bán phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị mua bán và Thỏa thuận về quy trình chuẩn trong xác định và hồi hương nạn nhân bị mua bán trở về năm 2009 giữa Việt Nam và Vương quốc Campuchia, UBND tỉnh đã triển khai đến các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh thực đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo UBND tỉnh, trên cơ sở kế hoạch, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/CP Chính phủ và Bộ Công an, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, nhất là phối hợp với các lực lượng chức năng Campuchia triển khai các biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới giữa 2 nước. Đồng thời, hàng năm và giai đoạn, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người, các sở, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nắm, thực hiện nghiêm túc. Qua đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người và phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trên cơ sở Hiệp định song phương, Biên bản thỏa thuận giữa 2 tỉnh Đồng Tháp và Prey Veng (Vương quốc Campuchia) đã ký kết hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng 3 huyện, thành phố biên giới (TP Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng) chủ động quan hệ tiếp xúc với chính quyền, lực lượng vũ trang 3 huyện: Sa Đách, Tà Péc, Piềm Chô và các Đồn, Trạm của tỉnh Prey Veng đóng ở khu vực biên giới để nắm tình hình; phối hợp bảo vệ an ninh, trật tự, giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn giữa người dân ở khu vực biên giới 2 tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cử nhiều đoàn cán bộ sang các huyện biên giới tỉnh Prey Veng và tiếp nhiều đoàn cán bộ của chính quyền, các lực lượng vũ trang tỉnh Prey Veng sang trao đổi tình hình, bàn biện pháp phối hợp bảo vệ an ninh biên giới; định kỳ hoặc đột xuất, hai bên luân phiên tổ chức họp liên tịch giữa chính quyền, lực lượng vũ trang xã, huyện, tỉnh giáp biên trao đổi, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện những nội dung đã thỏa thuận, hợp tác về bảo vệ an ninh, trật tự khu vực biên giới.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh chưa tiếp nhận, giải cứu trường hợp người Đồng Tháp bị mua bán sang Vương quốc Campuchia trở về. Các lực lượng chức năng của tỉnh có tiếp nhận 6 trường hợp do các ngành chức năng Campuchia trao trả về Việt Nam (qua xác minh không có dấu hiệu tội phạm mua bán người) và được các sở, ngành có liên quan hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân trở về gia đình ổn định cuộc sống. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện hoặc tiếp nhận các vụ việc liên quan đến tổ chức, đường dây tội phạm mua bán người từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại. Song, lực lượng chức năng có tiếp nhận, xác minh một số trường hợp là công dân tỉnh Đồng Tháp có dấu hiệu nghi bị lừa đảo, tuyển dụng lao động sang Campuchia “làm việc nhẹ - lương cao”; qua xác minh chưa đủ căn cứ xác định có dấu hiệu tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, công tác phối hợp xác minh, giải cứu, hồi hương nạn nhân trong những vụ việc công dân Đồng Tháp có dấu hiệu bị lừa sang Campuchia “làm việc nhẹ - lương cao” còn gặp khó khăn về thủ tục ngoại giao. Chẳng hạn: khi Công an tỉnh tiếp nhận thông tin, xác định được thông tin về nơi ở của nạn nhân bên Vương quốc Campuchia thì đề nghị Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Cơ quan ngoại giao để xác minh giải cứu. Quá trình này phải qua thủ tục ngoại giao, mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác giải cứu nạn nhân...

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn