Đường lây và các yếu tố nguy cơ nhiễm giang mai
Cập nhật ngày: 27/10/2020 09:45:02
Lây truyền qua đường tình dục là đường lây chủ yếu của bệnh giang mai, đặc biệt là ở các trường hợp nhiễm khuẩn mới. Khả năng lây truyền qua tình dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tần suất quan hệ tình dục, kiểu quan hệ tình dục (qua âm đạo, hậu môn hay đường miệng), giai đoạn bệnh giang mai của người mang mầm bệnh, tính nhạy cảm của bạn tình và việc sử dụng bao cao su.
(Ảnh minh họa từ nguồn internet)
Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể người lành qua giao hợp đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng. Bệnh chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn. Xoắn khuẩn xâm nhập qua da - niêm mạc của bộ phận sinh dục ít nhiều bị xây xát khi quan hệ tình dục sẽ gây bệnh tại chỗ, đi vào trong máu và lan truyền khắp cơ thể. Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan và bị nhiễm HIV/AIDS, bị các bệnh hay tổn thương ở bộ phận sinh dục, có hành vi tình dục không bảo vệ (quan hệ tình dục miệng – sinh dục, quan hệ tình dục đồng giới...). Bệnh lây truyền mạnh nhất là thời kỳ 1 và 2 khi các thương tổn da và niêm mạc chứa nhiều xoắn khuẩn giang mai.
Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn khuẩn lây qua các vết xước trên da – niêm mạc khi thầy thuốc tiếp xúc mà không được bảo vệ.
Lây truyền qua đường máu
Bệnh giang mai có thể lây do truyền máu (tiêm truyền máu hoặc tiêm chích ma túy mà bơm tiêm không khử khuẩn), tuy nhiên kể từ khi thực hiện sàng lọc nguồn máu hiếm và làm lạnh các sản phẩm máu thì việc lây truyền giang mai qua đường máu hiếm khi xảy ra.
Lây truyền từ mẹ sang con và các yếu tố nguy cơ
Bệnh giang mai lây truyền từ mẹ sang con, thường sau tháng thứ 3 của thai kỳ và gây bệnh giang mai bẩm sinh. Nếu người mẹ mắc bệnh giang mai, lúc mang thai thì thai nhi sẽ bị lây nhiễm bệnh từ người mẹ và khi chào đời trẻ đã mang sẵn bệnh giang mai dưới nhiều hình thái khác nhau gọi là bệnh giang mai bẩm sinh. Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục, hậu quả không những tác động đến người mẹ mà còn ảnh hưởng đến trẻ được sinh ra nên cần được quan tâm để phòng ngừa.
Nguy cơ lây nhiễm giang mai từ sản phụ qua thai nhi
Thai nhi có thể nhiễm giang mai từ mẹ ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, nhưng tỷ lệ nhiễm chu sinh lên đến 50% nếu mẹ đang ở giai đoạn sớm (tiên phát hay kỳ 2). Tỷ lệ nhiễm chu sinh giảm khi mẹ mắc giang mai tiềm ẩn sớm (40%) hay muộn (10%) hay giang mai kỳ 3 (10%). Lây cao nhất cho con trong 4 năm đầu tiên kể từ khi mẹ nhiễm giang mai và không được điều trị hay điều trị không đầy đủ. Nếu mẹ được điều trị giang mai đầy đủ trước khi sinh ít nhất 30 ngày, tỷ lệ nhiễm giang mai bẩm sinh cho trẻ (nhất là trong thời gian chu sinh) giảm rất nhiều, chỉ còn 1-2% so với 70% nếu không đều trị.
Hầu hết trường hợp, xoắn khuẩn từ máu mẹ truyền qua nhau thai gây nhiễm cho con. Chỉ có một số trường hợp rất hiếm, khi sinh ra trẻ tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc hay da mẹ đang có tổn thương do xoắn khuẩn rồi bị lây nhiễm. Mẹ nhiễm giang mai có biểu hiện lâm sàng sơ nhiễm hay thời kỳ 2 lây nhiễm cho trẻ nhiều hơn (60-90%) là nhiễm tiềm ẩn (tiềm ẩn sớm tỷ lệ lây 40%, muộng <10%). Thời gian từ khi mẹ nhiễm giang mai không được điều trị đến khi có thai nếu < 4 năm thì lây nhiều cho trẻ hơn sau 4 năm (2%). Mặc dù có thể phòng ngừa được, bệnh giang mai bẩm sinh vẫn còn rất phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.
NH (từ nguồn tài liệu dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con)