Nghiện thuốc lá và các yếu tố ảnh hưởng
Cập nhật ngày: 20/05/2016 13:24:34
Một điếu thuốc lá có chứa từ 0,8 - 1g thuốc lá, bao gồm 10 – 20mg nicotine và hơn 2.500 chất hóa học khác nhau: các chất nhà sản xuất đã thêm vào trong quá trình xử lý thuốc lá để tạo mùi thơm cho thuốc lá, chất độc trong lá cây thuốc lá tạo thành khi trồng thuốc lá: thuốc trừ sâu, thạch tín, cadmium...
Khi đốt điếu thuốc lá, một loạt chất độc khác hình thành, con số 2.500 chất hóa học trong điếu thuốc lá đã chuyển thành 7.000 chất hóa học trong khói thuốc lá. 7.000 chất hóa học này được chia làm 4 nhóm:
Oxyde carbon (CO): đi nhanh vào máu và chiếm chỗ của oxy trên hồng cầu. Ái lực của hemoglobine hồng cầu với CO mạnh gấp 210 lần so với O2 và như thế sau khi hút thuốc lá, một lượng hồng cầu trong máu tạm thời mất chức năng vận chuyển O2 vì đã gắn kết với CO. Hậu quả là cơ thể không đủ oxy để sử dụng.
Hắc ín: Là những chất có khả năng sinh ung thư.
Chất kích thích: aldenydes, acroleine, phénols... kích thích cây phế quản và là nguồn gốc gây nên các bệnh hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), làm nặng thêm bệnh hen...
Nicotine: có ái lực lớn với thụ thể nicotine ở não bộ, khi gắn kết vào thụ thể này gây ra các hiệu ứng tâm thần kinh, quyết định việc phát sinh và duy trì tình trạng nghiện thuốc lá.
Nghiện thuốc lá được hiểu một cách đơn giản là việc mất hoàn toàn tự do nói không với thuốc lá. Người nghiện thuốc lá không thể “quên” hút thuốc lá, ngược lại bị bắt buộc phải hút nếu không sẽ bị cảm giác “đói” thuốc. Thuốc lá buộc người nghiện phải liên tiếp hút thuốc lá, ngay khi đã mắc các bệnh do thuốc lá gây ra: thở oxy do suy hô hấp, cắt cụt chân vì tắc mạch chi dưới. Nghiện thuốc lá xuất hiện là hậu quả của các hiệu ứng tâm thần kinh do chất gây nghiện nicotine gây ra. Nghiện thuốc lá thường là kết hợp của nghiện tâm lý, hành vi với nghiện thực thể - dược lý.
Nghiện tâm lý là khi người nghiện hút thuốc lá để tìm kiếm các hiệu ứng tâm thần kinh khi hút thuốc lá, ví dụ: sảng khoái, hưng phấn, tăng khả năng tập trung chú ý. Đặc điểm nghiện thuốc lá tâm lý trên mỗi người là khác nhau bởi vì nghiện tâm lý tùy thuộc vào hoàn cảnh, không gian, thời gian và nhu cầu hiệu ứng tâm thần kinh tương ứng với hoàn cảnh cụ thể ấy. Chẳng hạn như người nghiện thuốc lá tâm lý sẽ hút thuốc lá khi uống cà phê cùng bạn bè để tìm cảm giác sảng khoái, hút thuốc lá khi làm việc để tăng mức độ tập trung, hút thuốc lá trước khi bước vào giải quyết một tình huống căng thẳng, nguy hiểm để giảm căng thẳng...
Nghiện hành vi là khi người nghiện hút thuốc lá như là một phản xạ có điều kiện đã phát sinh trong một hoàn cảnh cụ thể. Họ hút theo phản xạ chứ không phải là do nhu cầu cơ thể thực sự thiếu nicotine. Theo đó, hành vi hút thuốc lá xuất hiện trong các tình huống cụ thể, lặp đi lặp lại, theo đúng thứ tự trong thời gian dài. Chẳng hạn như sau khi ăn cơm xong là hút, khi uống cà phê vào buổi sáng là hút, gặp bạn hữu là hút.
Một người hút thuốc lá được gọi là nghiện thực thể - dược lý khi việc hút thuốc lá đã trở thành một nhu cầu cần thiết, không thể thiếu, không thể cưỡng lại được trong cuộc sống. Cơ thể họ cần nicotine để có thể hoạt động bình thường, vì khi thiếu nicotine, sẽ xuất hiện các triệu chứng của hội chứng cai thuốc lá như: thèm hút thuốc lá mãnh liệt; cảm giác kích thích, bứt rứt, căng thẳng; không tập trung được; buồn bã, lo lắng; thèm ăn; rối loạn giấc ngủ. Và, các triệu chứng này sẽ biến mất ngay khi họ hút thuốc lá trở lại.
Khi nicotine gắn kết thụ thể nicotine trên các tế bào thần kinh tại “trung tâm thưởng” ở hệ viền não bộ, các hóa chất trung gian dẫn truyền thần kinh bao gồm dopamin, serotonine, noradrenaline được phóng thích. Chúng gây ra nhiều tác động tâm thần kinh như: cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn. Não bộ nhanh chóng nhận ra rằng có thể dùng thuốc lá để kích thích bài tiết dopamin và như vậy khởi động quá trình hút thuốc lá kéo dài nhiều năm, tháng. Hiệu ứng tâm thần kinh của nicotine gây ra nhiều khi mạnh đến nỗi người nghiện thuốc lá không tài nào quyết định ngưng hút thuốc lá được và họ sẵn sàng chấp nhận các tác hại của thuốc lá để đổi lấy các hiệu ứng tâm thần kinh đó.
Hút thuốc lá và uống rượu là hai hành vi thường đi song hành. Người nghiện thuốc lá nặng thường uống nhiều rượu, và ngược lại 95% người nghiện rượu đồng thời cũng nghiện thuốc lá nặng. Tuy nhiên, người vừa nghiện thuốc lá, vừa nghiện rượu lại thường chết vì tác hại thuốc lá hơn là tác hại của rượu. Người ta có thể cai rượu trong khi vẫn tiếp tục hút thuốc lá nhưng không thể nào cai được thuốc lá trong khi vẫn tiếp tục uống rượu vì thế khuyến cáo đưa ra là nên cai rượu trước cai thuốc lá hoặc cai đồng thời cả hai thứ cùng lúc.
Cẩm lụa