Những điều cần biết về bệnh dại
Cập nhật ngày: 21/10/2013 04:52:10
Ở nước ta trong những năm gần đây, bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng và thực sự là mối nguy hiểm lớn cho người và vật nuôi. Riêng ở tỉnh ta, hàng năm đều có người chết do bị chó dại cắn. Cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu khi bệnh đã bộc phát.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp bệnh dại vào hạng thứ 12 trong các bệnh truyền nhiễm gây tử vong. Đây là một bệnh có thể chủ động phòng tránh được, chỉ có phương pháp tiêm phòng sớm, đúng mới mong cứu sống được người bệnh. Đặc điểm của bệnh là vi-rút tác động vào hệ thần kinh gây rối loạn thần kinh trung ương là não bộ làm cho con vật trở nên hoãng loạn (điên dại) và chết. Nguồn mang bệnh dại chủ yếu là chó (90%), mèo nuôi (5%) và động vật hoang dã. Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật.
Bệnh lây truyền chủ yếu do các chất tiết bị nhiễm, vi-rút có nhiều trong nước bọt, qua vết cắn, liếm vết thương của người hoặc con vật khác, vi-rút sẽ xâm nhập vào cơ thể, nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá huỷ mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết.
Diễn tiến bệnh dại
Người bị nhiễm vi-rút dại cắn sẽ ủ bệnh trong 2-8 tuần (có thể chỉ khoảng 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài 1 năm, thậm chí lâu hơn). Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào vị trí vết cắn và số lượng vi-rút xâm nhập cơ thể qua vết cắn. Cơn dại bắt đầu với cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, khó chịu và cảm giác dị thường liên quan đến vết thương do súc vật cắn. Mỗi khi nhìn thấy nước hoặc uống nước, cơ nuốt co thắt làm cho bệnh nhân sợ hãi. Sau đó, bệnh tiến triển đến liệt, có cơn điên cuồng hoặc co giật. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 6 ngày, đôi khi lâu hơn. Nạn nhân chết do liệt cơ hô hấp. Tất cả những bệnh nhân đã lên cơn dại đều tử vong.
Để phòng bệnh dại
- Hạn chế nuôi chó. Chó nuôi phải xích, nhốt, không thả rong.
- Tiêm phòng dại cho 100% chó, mèo nuôi.
- Tại nơi có chó, mèo bị dại phải diệt hết đàn chó, mèo đã tiếp xúc.
- Nghiêm cấm bán chó, mèo nơi đang có dịch dại sang nơi khác để hạn chế lây lan dịch.
- Người bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc phải đi tiêm phòng dại càng sớm càng tốt.
- Bất cứ ai bị nhiễm vi-rút dại cũng cần đi tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng
Ngoài ra, các hộ gia đình chỉ được nuôi thả chó trong khuôn viên của gia đình, chuồng nuôi phải được che chắn, cách ly, nền chuồng phải cao ráo và đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y.
Thường xuyên làm vệ sinh: Thu gom chất thải rắn để đốt hoặc chôn; rửa nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi bằng nước xà phòng. Đối với chất thải lỏng phải được xử lý bằng hóa chất. Vệ sinh khử trùng, tiêu độc chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, chế biến, môi trường liên quan đến con vật; xử lý thức ăn thừa, chất thải.
Tiêu độc khử trùng: Sau khi dọn rửa, vệ sinh, để khô và tiến hành tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, khi thực hiện làm vệ sinh người chăn nuôi phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp, phải được tiêm phòng vắc-xin dại phòng, chống phơi nhiễm và vệ sinh tiêu độc khử trùng khi kết thúc công việc.
Diệu Hiền