Quan tâm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn
Cập nhật ngày: 16/01/2024 05:38:50
ĐTO - Thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị và địa phương trong tỉnh quan tâm tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) với nhiều hình thức khác nhau như: tập huấn, nói chuyện chuyên đề, hội nghị, hội thảo, tổ chức hội thi... Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của toàn xã hội đối với vấn đề ATTP.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm
Ông Võ Minh Phục - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: “Toàn tỉnh có hơn 17.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó ngành nông nghiệp quản lý 845, ngành công thương quản lý 4.931, ngành y tế quản lý 11.527 cơ sở. Hệ thống quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh tại tỉnh được thực hiện theo Quyết định số 209 ngày 18/3/2019 của UBND tỉnh Đồng Tháp”. Cũng theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, năm 2023, song song với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra 5.515 cơ sở. Trong đó, có 5.044 cơ sở đạt (chiếm 91,46%), xử lý vi phạm hành chính đối với 53 cơ sở với tổng số tiền gần 600 triệu đồng. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động sản xuất 2 tháng và tiêu hủy sản phẩm đối với 4 cơ sở vi phạm với tổng giá trị gần 200 triệu đồng.
Các cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm như: kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng đã hết hiệu lực; sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc tiêu chuẩn đã công bố. Cùng với đó, sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; vận chuyển thịt gia súc không có dấu kiểm soát giết mổ; giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép...
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các ngành chức năng kết hợp lấy 545 mẫu thực phẩm gửi đơn vị xét nghiệm, kết quả có 45 mẫu không đạt (chiếm 8,26%), 12 mẫu đang đợi kết quả phân tích từ đơn vị kiểm nghiệm. Ngoài ra, còn thực hiện xét nghiệm nhanh tại chỗ với 518 mẫu thực phẩm, kết quả có 11 mẫu không đạt (chiếm 2,12%). Các mẫu không đạt đều được xử lý theo quy định. Năm 2023, không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh tiếp nhận 351 bảng tự công bố sản phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm theo phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; cấp 477 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Cụ thể: ngành y tế cấp 360 giấy chứng nhận; ngành công thương cấp 11 giấy chứng nhận; ngành nông nghiệp cấp 106 giấy chứng nhận.
Ngành chức năng thực hiện thu mẫu thực phẩm giám sát ATTP đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật, thủy sản tại các chợ, vùng nuôi, cơ sở thu gom nông sản và lấy mẫu thức ăn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Kết quả thu được 551 mẫu gửi phòng kiểm nghiệm, có 41/551 mẫu có chỉ tiêu kiểm nghiệm không đạt theo quy định (chiếm 7,44%). Xử lý, thông báo kết quả kiểm nghiệm đến cơ sở và tổ chức kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP trong các đợt tiếp theo, nếu phát hiện vi phạm, kiên quyết xử lý theo quy định.
Thời gian tới, các cấp, ngành, đơn vị địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17 ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 426 ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi, các quy định của pháp luật về ATTP; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về ATTP và công khai tổ chức, cá nhân vi phạm để tăng tính răn đe. Tăng cường quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích giết mổ tập trung, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp. Tiếp tục nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm nghiệm về ATTP.
HỒNG NGỰ