CHUYỆN GHI NHANH Ở MỘT GÓC MIỆT VƯỜN
Chút tâm tình gửi về quê hương Đất Sen hồng
Cập nhật ngày: 27/09/2022 15:42:21
ĐTO - Nhân ngày nghỉ lễ rảnh rỗi về lại miệt vườn, vừa thăm thú miền quê, vừa gặp gỡ những bà con nông dân thân quen. Câu chuyện từ những người nông dân chân chất ngay bên gốc mít, tán xoài, ao cá, mà vỡ ra nhiều điều, thậm chí học thêm được nhiều điều. Và hình như những điều đó không nằm trong các chiến lược, đề án, kế hoạch được hoạch định. Đúng như lời một triết gia “Lý thuyết đều màu xám còn cuộc đời luôn mãi xanh tươi”.
Tiếp xúc với mấy anh nông dân phấn khởi vì mít có giá, đang cắt bán được 30 ngàn một ký loại 1, thấy trong bụng cũng vui lây. Không vui sao được, mới lần trước ghé thăm thì mít chỉ có 10 ngàn 3 ký, mít chín đầy vườn mà thương lái thưa vắng. Giá cả trồi sụt luôn là nỗi ám ảnh bà con nông dân, rồi lại còn nào tiền phân, tiền thuốc, tiền nhân công. Thôi thì giá được như vậy trừ tới trừ lui cũng tạm “có ăn” rồi. “Có ăn” thì vui đó nhưng lại có nỗi lo khác, lại buồn khác. Lo buồn vì lác đác một vài cây mít vườn này vườn kia bắt đầu khô lá mà chưa rõ nguyên nhân. Người thì nói do đất còn phèn nhiều, người cho rằng do mưa dầm nên bị chứng xì mủ, người lại quả quyết cho rằng đó là hệ quả của quá lạm dụng phân bón. Tất cả vẫn chỉ là đoán già đoán non. Một nông dân tư lự: tụi tui trước giờ chuyên trồng lúa, thấy người ta lên liếp làm vườn cũng ham mà làm theo, hơn nữa xung quanh lên liếp cao hết rồi, miếng ruộng nhỏ ở giữa giữ trồng lúa cũng không được, làm ruộng thì giỏi đó nhưng làm vườn có biết gì đâu!
À thì ra vậy, mỗi sự thay đổi không hề dễ dàng bao giờ. Ông bà mình nói muốn làm gì phải chuẩn bị cho kỹ càng, không khéo là “trật con toán, bán con trâu”, không khéo là “gom củi ba năm, đốt cháy một giờ”. Trồng trọt tưởng chừng dễ dàng lắm: mua giống về, đặt giống xuống, rồi bón phân, phun thuốc, nước nôi, chờ ngày ra hoa kết trái, thu hoạch, đem bán. Từ đời ông cha đã vậy, giờ cũng theo quy trình như vậy. Nhưng nói vậy mà không phải vậy, coi bộ dễ mà không dễ chút nào. Nào biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước nôi ngày càng khó khăn. Nào dịch bệnh thường xuyên, vừa khắc chế bệnh này thì lại xuất hiện bệnh khác. Nào tới kỳ thu hoạch lại thắc thỏm thị trường, khắc khoải giá cả lên xuống thất thường. Một anh nông dân khác đúc kết: ngộ lắm, khi giá lên thì thương lái dập dìu, gọi điện đến trả lời không kịp, ngược lại khi giá xuống, ơi hởi cho họ thì bị tắt máy.
Ra về gặp một nhóm thương lái mồ hôi nhễ nhại khệ nệ bưng bê những trái mít no tròn mới vừa cắt cuống. Một nông dân chỉ đống mít nói vui, sáng nay mua được vậy là “vô” rồi, mít đang lên giá mà. Bạn thương lái trẻ hiền khô phân trần, cũng hy vọng vậy mấy anh ơi, chứ như lần trước cũng mua tại vườn này nè, chở xuống Mỹ Tho, nhà vựa tụt giá xuống làm tui cũng muốn tụt huyết áp luôn, lỗ muốn tắt thở. Vậy đó, con đường nông sản của mình bắt đầu từ nhà vườn, rồi thương lái đến thu mua, rồi thương lái bán cho nhà vựa, rồi nhà vựa bán cho doanh nghiệp, chợ đầu mối. Tầng này, nấc kia bào mòn thu nhập người nông dân. Đó là hệ quả của lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Vậy là làm lúa có rủi ro của làm lúa, làm vườn có thể thu nhập cao hơn nhưng lại có rủi ro của làm vườn. Muốn giảm thiểu rủi ro thì nông dân phải hiểu biết, muốn hiểu biết thì phải học hỏi. Tri thức hoá nông dân mới nói ra thì có người hoài nghi, có người phân vân, có người phản đối. Nhưng trăm năm trước trong sách Quốc văn đã giải thích rất đơn giản: “Người có học, làm thợ là tay thợ khéo, đi buôn là nhà buôn giỏi, làm ruộng là nhà điền chủ khôn ngoan. Sự học có ích là thế đó”. Nhưng làm cách nào nông dân được học, sẵn lòng học, chấp nhận học, là câu chuyện của lãnh đạo và ngành chuyên môn địa phương. Từ nông dân trở thành điền chủ là một hành trình đầy khó khăn nhưng không có gì là không thể nếu thực sự quyết tâm, quyết tâm của người nông dân, quyết tâm của cả hệ thống các cấp, quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo.
Hoạt động nông nghiệp diễn ra hàng ngày hàng giờ ở ruộng vườn, gắn với người nông dân. Tri thức, tâm thế, cảm xúc, năng lực của người nông dân quyết định cho sự thành công của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn. Khẩu hiệu “đồng hành với nông dân” mãi mãi chỉ là khẩu hiệu nếu chúng ta xa rời thực tiễn cuộc sống. Không quan tâm đến suy nghĩ của người nông dân sẽ không thành công dù các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án xây dựng công phu đến đâu. Đã có nhiều bài học minh chứng cho điều ấy rồi. Đừng chỉ nhìn nông nghiệp qua diện tích, quy mô, năng suất, sản lượng nông sản, mà hãy nhìn vào những người nông dân. Thước đo một nền nông nghiệp phát triển là ở năng lực của người nông dân, tri thức và tính chuyên nghiệp.
Đến thăm một nhóm nông dân bao đời gắn bó với cây xoài. Vẫn là những mẫu chuyện vui buồn dưới tán xoài, xoay quanh trái xoài. Vẫn là xoài nhưng hình như nhiều bà con đã “ngộ” ra rằng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, nếu không lại rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”. Bà con đã tự mày mò làm ra những chế phẩm sinh học từ ớt, gừng, tỏi… để thay thế một phần thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, ủ cá để làm phân vi sinh. Bà con tỉa cành, cắt tán để cây xoài đủ sức ra hoa kết trái nhiều hơn. Bà con chuẩn bị kết hợp làm du lịch trải nghiệm dưới tán xoài. Đa tầng giá trị đâu có gì cao siêu đâu, bắt đầu chỉ đơn giản vậy thôi, là tạo thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích bằng các giá trị khác. Nhưng là nông dân quen gắn bó với vườn tược, giờ tập tễnh làm du lịch chắc không tránh khỏi ngỡ ngàng. Vậy là bà con lại phải học, học cách chăm chút làm sao cho “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Thật cảm xúc trước sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của bà con mình. Nhưng lại nặng lòng khi nghe trăn trở từ một nông dân: anh yên tâm, tụi tui thì quyết tâm rồi đó, chắc chắn sẽ làm đến cùng chứ không bỏ cuộc, nhưng làm sao nhiều người cùng thay đổi, tất cả thay đổi thì mới thành công. Câu danh ngôn “Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” thì không có gì phải bàn cãi, nhưng làm sao để “cùng nhau”, trong khi mỗi người nông dân sống trong mỗi nếp nhà, khác nhau về năng lực, cách nghĩ, cách làm?
À thì ra là vậy. Là phải bắt đầu từ tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng để có nơi có chỗ bà con đến với nhau. Là phải tổ chức lại sản xuất trên tinh thần hợp tác, liên kết gắn với vùng nguyên liệu ngành hàng. Là phải bắt đầu từ hệ thống cơ sở: cấp uỷ, chính quyền, đội ngũ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội. Là phải “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, phải có tư duy hệ thống và hành động hệ thống, phải nói thật, làm thật, tránh hô hào, khẩu hiệu, phong trào.
Hình như không có con đường nào khác!
Lê Minh Hoan