Chuyện dài quê hương

Cập nhật ngày: 21/01/2023 11:59:09

“Đi qua vườn trẻ chơi, ngỡ bầy chim đang hót,

Ta nghe đời vui hơn những nghĩ suy một mình.

Đi thăm người mới quen, một lần chưa nói hết,

Chuyện dài của quê hương, hiểu nhiều càng yêu hơn”.

Trần Long Ẩn

Ai đi xa, dù bộn bề, tất bật đến mấy, cũng có phút chốc nào đó chợt nhớ về quê hương. Ai đi xa, để làm việc, để tìm kiếm tri thức, rồi một chiều hôm cũng mong ngóng quê nhà. Nỗi nhớ có khi chỉ thoáng qua, có khi lại cồn cào, có khi khắc khoải. Nỗi nhớ trải dài từ ký ức năm tháng tuổi thơ cho đến bao kỷ niệm lúc trưởng thành. Nhớ con đường làng, ngõ xóm quen thuộc, nhớ những gương mặt thân quen. Nhớ mình vẫn luôn là một người con của quê hương.


Hoa Xuân. 
Ảnh: Khắc Hiếu

Người Đồng Tháp, dù đến bất kỳ nơi nào, đều có sợi dây vô hình nối kết với miền quê hương thân thương. Nếu không, sẽ... “không lớn nổi thành người”. Ở miền thân thương đó, có một địa điểm được định danh là “Đất Sen hồng”. Ở miền thân thương đó, bao con người gọi nhau một cách trìu mến là “bà con đồng hương”. Ở miền thân thương đó, trong mỗi nốt thăng trầm đều trỗi lên bao cảm xúc nơi phương xa: vui, buồn, vui buồn lẫn lộn, lúc lâng lâng, lúc thấy nặng lòng. Ở miền thân thương đó, một triệu bảy công dân sinh sống và làm việc trên mảnh đất chỉ hơn ba ngàn cây số vuông. Đất chật, người đông, nhà lớp trước lớp sau, ruộng trong nong ruộng ngoài. Mảnh đất một thời gian khó và hiện nay vẫn còn bao nỗi toan lo. Nước lũ cao cũng lo, mà nước lũ thấp cũng lo. Mưa nhiều cũng lo, mà hạn hán cũng lo. Mất mùa thì lo đã đành, mà được mùa cũng lại lo “mất giá”. Nỗi lo triền miên của một miền quê còn “khuất nẻo”.

Nhưng rồi mảnh đất đó từng ngày vượt qua lời nguyền “khuất nẻo”, vận động, vươn lên từ bàn tay khối óc của bao thế hệ người. Những sáng kiến xã hội được tạo dựng, sức mạnh xã hội được nhân lên, niềm tin xã hội được kích hoạt. Hội quán, một không gian cộng đồng, để người dân đến với người dân, lần lượt ra đời, dần thay đổi nếp nghĩ, nếp sống xóm làng. Cộng đồng doanh nghiệp ngồi lại, cùng nhau “kiến tạo và chia sẻ giá trị”. Những bạn trẻ quay về khởi sự lập nghiệp, làm tăng giá trị của đất bằng khoa học công nghệ, bằng tư duy, cách tiếp cận mới, bên cạnh việc kế thừa, tiếp nối kinh nghiệm bao đời. Những mô hình nông nghiệp mới đã tạo thêm giá trị mới. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội lấy sự hài lòng, chất lượng sống của người dân làm thước đo năng lực của mình. Vị trí của địa phương trên các chỉ số xếp hạng cấp Quốc gia liên tục được duy trì, cải thiện. Nhiều chỉ số qua bao năm vẫn luôn vững vàng trong nhóm dẫn đầu, tạo niềm phấn chấn cho toàn xã hội. Thế hệ nối tiếp thế hệ, thế hệ trước đắp nền cho thế hệ sau. Mặt đất càng ngày càng vững chắc, giúp cho bước chân công dân xứ Sen càng thêm vững chãi.

Tuy nhiên, đôi khi “người tính không bằng trời tính”. Đường vừa được đắp lên, đất lại sạt xuống. Bờ sông bị bào mòn bởi biến đổi của thiên tai, khí hậu, bởi chính tác động của con người. Lúa “3 vụ ăn chắc” coi vậy mà đâu đã chắc ăn. Được mùa, thậm chí được giá, nhưng tính tới tính lui tiền lời thu về không tương xứng như kỳ vọng. Niềm vui đó, nỗi buồn đó, đôi khi hòa lẫn vào nhau. Miếng ăn chưa kịp thưởng thức, đôi khi còn rơi ra trong nỗi tiếc nuối, xót xa. Hết dịch bệnh trên cây trồng này, lại đến vật nuôi khác. Rồi dịch Covid-19 quét qua, bao con người vĩnh viễn ra đi, bao gia đình chưa thể nguôi ngoai. Vậy là một dòng xe mang biển số 66 lại tha phương rong ruổi, tìm kiếm cơ hội nơi đất khách quê người. Rong ruổi trong nỗi nhớ, người nhớ đất, mà đất cũng lưu luyến người.

Trên mảnh đất thân thương đó, tất cả đang chung tay tạo dựng “Nền văn hóa và con người Đồng Tháp: nghĩa tình, năng động, sáng tạo”. Từ khẩu hiệu, đến triết lý, rồi mục tiêu, đều đã tỏ tường, nhưng làm sao lan tỏa, thấm đẫm vào suy nghĩ của từng người, từng cộng đồng và cả xã hội? Hình ảnh địa phương hay thương hiệu địa phương được tạo dựng từ trong tâm thức và hành động của từng con người, trở thành niềm “tự hào công dân Đất Sen hồng”, tự tin giới thiệu “Tôi - Người Đồng Tháp”. Sự tự tin, niềm tự hào đó đang được chuyển hóa vào từng sản phẩm, qua từng công việc của mỗi người.

“Văn hóa của Người Đồng Tháp”. Miền đất này là nơi tìm đến của những tiền hiền khai khẩn, với tinh thần phóng khoáng, hào sảng, nghĩa hiệp. Trên nền phế tích Óc Eo, người khắp phương hội tụ, quý mến “láng giềng gần” như “bà con xa”, cùng kết đoàn chống chịu rủi ro, hiểm họa của rừng sâu nước độc. Sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo, đã dần hình thành văn hóa của người xứ Tháp. Lời ru, câu hát dân ca mộc mạc, điệu hò Đồng Tháp... không đặt nặng tính trau chuốt, nhưng đều gửi gắm nỗi niềm của những người con sông nước, gắn với triết lý nhân sinh bình dị, chân tình, “thuần khiết như hồn Sen”. Đặc biệt, Hò Đồng Tháp là một báu vật văn hóa phi vật thể không thể tách rời khỏi đất Đồng Tháp, người Đồng Tháp: “Ơi... hò... ơi... Bước xuống ruộng sâu ai đo được tình người lai láng. Ngó xuống đồng vàng, ai thấu hiểu tình đất mênh mông!”.

“Nghĩa tình của Người Đồng Tháp”. Làm việc nghĩa thì đâu có phân biệt việc lớn hay việc nhỏ, người giàu hay người khó. Những hành động nghĩa tình xuất phát từ tấm lòng vị tha và mong muốn lan tỏa điều tốt đẹp. Có cảm xúc nào hơn khi hình ảnh và lời tự sự của cô Sáu Thia, người ngày ngày thầm lặng dạy bơi cho các cháu nhỏ xuất hiện trên Đài Truyền hình Quốc gia. Có ai đếm hết bao nhiêu học sinh, người lao động, hơn 20 năm qua, được chia sẻ khẩu phần cơm từ một “bếp lửa không tắt” của thầy giáo Mốt. Có ai thống kê xem có bao nhiêu chai nước, chiếc khăn lạnh của các chiến sĩ công an, các đoàn viên, thanh niên làm mát dịu bà con trên đường về quê mỗi dịp lễ, Tết. Và bao nhiêu chiến sĩ áo trắng, áo xanh không quản ngại khó khăn, hiểm nguy trong cơn dịch bệnh Covid-19. Còn nhiều, nhiều nữa người Đồng Tháp nghĩa tình nữa, xin hãy đừng quên!

“Sáng tạo của Người Đồng Tháp”. Những con người trên mảnh đất này có thể chưa có những sáng tạo đỉnh cao, nhưng vẫn luôn có những sáng kiến đời thường giúp cải thiện cuộc sống và sản xuất. Những nhà khoa học “chân đất” chế tạo ra máy tưới điều khiển từ xa, máy cuộn rơm, máy làm đất... Những giải thưởng sáng tạo của các học sinh tạo niềm tin về một thế hệ tri thức tương lai. Những sản phẩm OCOP từ sen khởi đầu cho câu chuyện “Giấc mơ Sen”, truyền cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp lần lượt cho ra đời nhiều sản phẩm kết tinh từ tài nguyên bản địa với tri thức và khát vọng của thế hệ trẻ. Như đặc sản “lạp xưởng cá lóc” vừa ra mắt có thể góp thêm phần mới lạ, thơm ngon cho mâm cơm Tết này.

“Khát vọng của Người Đồng Tháp”. Một địa phương phát triển không chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên, mà còn dựa vào năng lực xã hội. Năng lực xã hội là tổng hòa năng lực của các thành phần xã hội: nông dân, công nhân, doanh nhân, trí thức, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và thực thi công vụ. Năng lực nông dân dựa vào tri thức và tính chuyên nghiệp. Năng lực công nhân dựa vào kỹ năng nghề nghiệp và tác phong công nghiệp. Năng lực trí thức dựa vào sự dấn thân, thái độ sống, mang kiến thức cống hiến cho xã hội. Năng lực doanh nghiệp dựa trên sự đồng hành kiến tạo và chia sẻ giá trị. Năng lực lãnh đạo, bộ máy thực thi công vụ dựa trên sự hòa mình vào xã hội, lắng nghe cảm xúc xã hội, hơi thở cuộc sống. Hình như quê mình năng lực xã hội đã hội đủ rồi, giờ là lúc kết tụ lại và nhân lên giá trị. Thắp sáng “Khát vọng Đất Sen hồng”.

Tình yêu quê hương không dành cho riêng ai, mà cho mỗi người. Tình yêu đó xuất phát từ cảm xúc và tạo ra cảm xúc. Những điều xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Cảm xúc lan tỏa tạo ra dòng năng lượng giúp cho xã hội chuyển động nhanh và bền vững về phía chân trời tươi sáng.

“Nửa đêm nghe Xuân về. Nghe đời lên rất trẻ... Em đứng hát bên trời. Bài ca của quê hương. Bài ca của yêu thương”.

Lê Minh Hoan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn