5 biện pháp đối phó với hành động gây hấn của Trung Quốc
Cập nhật ngày: 20/05/2014 09:04:20
Đại tá Lê Văn Vị: Hành vi của nhà cầm quyền Trung Quốc rõ ràng gây nên phản ứng ở nhân dân Việt Nam.
Đại tá Lê Văn Vị
Trong những ngày qua, dư luận quốc tế vẫn tiếp tục lên án hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của Trung Quốc. Việt Nam vẫn kiên trì biện pháp ngoại giao, mong muốn cùng Trung Quốc giải quyết vấn đề tránh gây xung đột, ảnh hưởng tới quan hệ hai nước và hòa bình khu vực.
Chuyển mâu thuẫn từ bên trong ra bên ngoài
Liên quan tới bối cảnh trong nước Trung Quốc, Đại tá Lê Văn Vị (chuyên gia phân tích quốc tế) cho rằng lãnh đạo Trung Quốc đang tích cực thực hiện chiến dịch chống tham nhũng diệt cả ruồi lẫn hổ. Diệt ruồi có thể không khó nhưng động đến hổ nhất định có phản ứng. Nhưng qua đây ta có thể thấy trong nội bộ Trung Quốc có những cuộc đấu tranh. Tiếp đó, có nhiều vùng của Trung Quốc đang bất ổn, đặc biệt là Tân Cương hầu như năm nào cũng có xung đột. Đó là xung đột giữa người Hán và người dân tộc. Thậm chí người Tân Cương còn xuống cả Côn Minh, Quảng Châu gây ra những vụ bạo lực gây chết nhiều người.
Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc sau thời gian phát triển nóng với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã trở thành cường quốc số 2 thế giới về kinh tế, nhưng chất lượng cuộc sống lại đối mặt với nhiều vấn đề. Khu vực miền Đông tuy phát triển mạnh, nhưng miền Trung và miền Tây còn nhiều khó khăn. Trung Quốc tuy được xem là công xưởng thế giới, nhưng cũng được coi là nơi tiêu hao nhiều năng lượng nhất thế giới, trong đó có dầu hỏa.
Về yếu tố ngoài nước, lãnh đạo Trung Quốc có tính toán rằng thời điểm hiện tại, thế giới đang tập trung vào khủng hoảng ở Ukraine về việc Crimea-bán đảo chiến lược trở về với Liên bang Nga. Tại miền Đông Ukraine như Donesk hay Lugansk tổ chức trưng cầu dân ý. Cả Nga và EU, Mỹ đều đồn sức tìm cảnh giải quyết vấn đề này.
Đại tá Lê Văn Vị nhận định việc đặt giàn khoan Hải Dương-981 giúp Trung Quốc đạt được nhiều mục đích. Trước hết thể hiện được cái mà họ gọi là lợi ích cốt lõi “đường 9 đoạn” rất phi lý mà thế giới gọi là “đường lưỡi bò”. Về mặt chính trị họ muốn xác định chủ quyền của họ. Về mặt kinh tế, nếu có dầu khí cũng có lợi cho họ. Đồng thời, Trung Quốc đã chuyển hóa mâu thuẫn bên trong ra bên ngoài, lấy sự “đồng tâm nhất trí” vu cáo Việt Nam và các nước khác. Đây là việc đã thường làm ở Trung Quốc.
Đại tá Lê Văn Vị cho cho biết, việc đặt 1 giàn khoan khổng lồ 3 vạn tấn chắc chắn sẽ không nhanh như việc đưa tàu chiến hoặc tàu hạm. Tàu chiến đi 20 hải lý/giờ, tàu hạm đi 10 hải lý/giờ, nhưng giàn khoan chỉ đi được 4 hải lý/1 giờ (tức là 7km/1h). Việc di chuyển này còn cần rất nhiều tàu bảo vệ. Khi di chuyển, các nước xung quanh và các phương tiện vệ tinh đều có thể thấy rất rõ. Đấy là hành động càng chứng tỏ việc làm có tính toán sâu xa. Và giàn khoan này đã trực chờ ở Hongkong rất lâu, đến thời điểm khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 nó mới di chuyển vào khu vực biển Việt Nam. Chứng tỏ họ đã chuẩn bị tương đối kỹ trong kế hoạch này.
5 biện pháp đối phó với Trung Quốc
Theo Đại tá Lê Văn Vị, trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam cần thực hiện 5 biện pháp sau đây:
Thứ nhất là đấu tranh ngoại giao. Đây là lĩnh vực Việt Nam đã có truyền thống. Làm sao để bạn bè thế giới hiểu rõ được chúng ta và lên án hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Thứ 2, trong luật pháp Việt Nam có rất nhiều bằng chứng về chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa. Do vậy, qua những phương tiện thông tin đại chúng, cần làm cho nhân dân hiểu rõ hơn về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này. Việt Nam mong muốn có hòa bình, hữu nghị, mong muốn có kinh tế biển phát triển, hoạt động dựa trên Công ước Biển của Liên Hợp Quốc 1982 mà Việt Nam đã kí từ sớm. Giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể có nhiều hình thức đấu tranh bằng luật pháp. Ngay cả nhân dân Trung Quốc, hay các nhà khoa học Trung Quốc cũng cần hiểu rõ hơn điều chính nghĩa mà Việt Nam đang làm.
Thứ 3, liên quan tới vấn đề truyền thông. Những năm 1974 lùi về trước, hầu như đất nước chúng ta chỉ có phương tiện truyền thanh. Giờ bên cạnh truyền thanh có truyền hình, các cơ quan thông tấn báo chí. Mặt trận truyền thông phải liên tục cập nhật tình hình cho nhân dân hiểu những hiện tượng mới xảy ra và cả chiều sâu của nó.
Thứ 4, là vấn đề tâm lý, tức là tâm lý liên quan đến tình cảm của nhân dân. Làm sao chúng ta có sự đồng lòng, nhất trí trong toàn dân. Tuy trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân phải hiểu rõ là khó khăn kinh tế là vấn đề đương nhiên. Nhưng điều không thể chấp nhận được khi có một người bỗng dưng nhảy vào mảnh sân trước nhà mình, thậm chí nhảy vào gần non nửa sân, rồi đặt mũi khoan và bảo dưới sân có kim loại hay dầu. Điểu này thế giới không ai chấp nhận.
Cuối cùng đòi hỏi chúng ta phải có quyết sách chính trị. Những bước đi và cấp độ chúng ta thực hiện vừa qua có thể thấy lãnh đạo đã thể hiện được quyết tâm của nhân dân. Thấm nhuần lời Bác đã dạy, đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Tuy trên thực tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn hiện tại có thể nói chưa bằng gì so với khó khăn trước đây chúng ta đã trải qua. Đây là khó khăn trong thời bình và Việt Nam sẽ giải quyết được.
Đại tá Lê Văn Vị khẳng định rằng trước sau nhân dân ta vẫn giữ hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, nhưng hành vi của nhà cầm quyền Trung Quốc rõ ràng gây nên phản ứng đối với nhân dân Việt Nam. Qua sự việc vừa rồi có thể thấy chưa có lúc nào lòng dân, ý Đảng lại gặp nhau trong những chính sách đối ngoại như vậy.
VOV