Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ giúp Việt Nam chiến thắng

Cập nhật ngày: 15/05/2014 08:32:27

Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm cam kết giữ gìn hòa bình trên Biển Đông và tự làm mất uy tín trên trường quốc tế.


Nhà sử học Dương Trung Quốc:
Các nước ASEAN đã tạo được
 sự đồng thuận cao trong vấn đề Biển Đông

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 và đưa một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vấp phải sự phản đổi mạnh mẽ của người dân trong nước, kiều bào ta định cư ở khắp nơi trên thế giới cũng như cộng đồng quốc tế.

Nhiều nhà quân sự, chính trị gia, khoa học có uy tín trong và ngoài nước đều nhận định, hành động trên của Trung Quốc đã cho thấy, họ không phải là một nước lớn có trách nhiệm với những cam kết của mình.

Trung Quốc hành xử không phải là một nước lớn có trách nhiệm

Ở góc độ nghiên cứu Sử học, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, dù hành động theo mục đích nào thì việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại một vùng đã có chủ quyền là phi pháp, không thể chấp nhận được. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Trung Quốc cũng đã vi phạm cam kết với các nước ASEAN cũng như đi ngược lại thỏa thuận cấp cao giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam.

Việc Trung Quốc huy động một lực lượng hơn 80 tàu thuyền, gồm nhiều tàu quân sự và tàu dân sự vũ trang với chiêu bài hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 cho thấy, nước này đã có kế hoạch tỉ mỉ, bài bản với chủ ý nhằm thâu tóm Biển Đông.

Hành động của Trung Quốc nhằm thực hiện mưu đồ bá quyền đối với Biển Đông đã hoàn toàn đi ngược lại xu thế và lợi ích hòa bình của khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, cho dù tình hình thế giới hiện nay có nhiều vấn đề phức tạp, lợi ích của mỗi quốc gia có thể rất khác nhau nhưng một nước lớn như Trung Quốc đã phá bỏ những nguyên tắc, những yếu tố mang tính chất cam kết quốc tế thì không thể dễ dàng được các nước trên thế giới chấp nhận.

Khi đã vi phạm những nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, uy tín của Trung Quốc cũng sẽ giảm mạnh.

Các nước ASEAN đã tạo được sự đồng thuận cao

Sự hiện diện giàn khoan của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ tác động, xâm hại trực tiếp đến lợi ích của Việt Nam và còn ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải của các nước trong khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới.

Vì thế, Việt Nam lên tiếng phản đối và kêu gọi thế giới có thái độ đối với hành động sai trái của Trung Quốc, không chỉ là thực hiện quyền tối thiểu của một quốc gia trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích riêng của mình mà còn là tiếng nói góp phần bảo vệ ổn định và hòa bình trên Biển Đông.

Vấn đề trên cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra tại Myanmar.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, với tư cách là người đứng đầu của Chính phủ, phát biểu tại Hội nghị có uy tín như Hội Cấp cao ASEAN lần thứ 24, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đúng vào thời điểm Trung Quốc liên tục có những có những hành động gây hấn đối với Việt Nam là kịp thời.

Nội dung bài phát biểu đã thể hiện rõ bản chất sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của nước ta cũng như quan điểm và lập trường của Việt Nam đối với những hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Song, lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, Việt Nam luôn đặt sự hòa hiếu lên hàng đầu. Hòa hiếu không chỉ vì bảo đảm lợi ích của Việt Nam mà còn thuận theo xu thế chung của thời đại.

Bài phát biểu của Thủ tướng cũng toát lên ý chí của dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước trên nền tảng luật pháp quốc tế. Đây là những nguyên tắc mà quốc gia nào cũng ủng hộ.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 khiến các nước ASEAN đều rất quan tâm và thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với vấn đề Biển Đông.

Dưới góc nhìn của người nghiên cứu Sử học, ông Dương Trung Quốc nhận định, nếu so sánh cách đây khoảng 2 năm, các nước ASEAN tìm được sự nhất trí để ứng phó với Trung Quốc không phải đơn giản. Vì mỗi nước có những lợi ích, vị trí địa chính trị, mối quan hệ với các quốc gia có liên quan và với Trung Quốc cũng khác nhau.

Thế nhưng, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, chúng ta nhận thấy, các nước ASEAN đã đoàn kết hơn và cùng chung tiếng nói, quan điểm đối với vấn đề Biển Đông.

Trước việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, ngày 10/5, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN họp tại Nay Pyi Taw, Myanmar đã thông qua Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông.

Đây là lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ (kể từ năm 1995), ASEAN ra một Tuyên bố riêng về tình hình phức tạp đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông

Các nước ASEAN đều nhận thức được sự nguy hiểm của việc hiện diện giàn khoan của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ tác động, xâm hại trực tiếp đến lợi ích của Việt Nam. Và nếu như Việt Nam thỏa hiệp, lùi bước thì cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cả cộng đồng ASEAN và nhiều nước trên thế giới. Vì Biển Đông là một không gian, là tuyến đường hàng hải, giao thương quan trọng đối với nhiều quốc gia.

Không chỉ các nước ASEAN có phản ứng trước việc Trung Quốc có những hành động sai trái ở Biển Đông mà nhiều nước lớn trên thế giới như: Anh, Mỹ, Nhật Bản đều đã lên tiếng lo ngại đối với sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nói riêng và những căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian gần đây.

Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc sẽ giúp Việt Nam chiến thắng

Việt Nam luôn là một đất nước mong muốn có môi trường hòa bình, duy trì mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc nhưng cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình.

Hành động sai trái của Trung Quốc đã khiến người dân trong và ngoài nước hết sức bức xúc. Hành xử của Nhà nước cũng như phản ứng của nhân dân trước việc gây hấn của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã cho thấy, tinh thần yêu nước, đoàn kết và đồng thuận của dân tộc ta luôn được duy trì vững chắc cho đến ngày nay.

Trong quá khứ, nước ta đã chiến thắng nhiều thế lực thù địch mạnh mẽ nhờ sự đồng tâm, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân đối với việc chiến đấu và bảo vệ bờ cõi non sông, đất nước. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã được Tổ tiên, các thế hệ tiền bối đúc kết lại cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

“Nếu người dân Việt Nam đều “một lòng sắt son” hướng về Tổ quốc, phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đoàn kết dân tộc thì chắc chắn chúng ta sẽ gìn giữ được chủ quyền quốc gia. Còn chừng nào dân tộc Việt Nam mất đoàn kết thì chúng ta sẽ mất nước. Bài học đó nhắc nhở Việt Nam cần phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân” - Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

VOV

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn