Xây dựng nông thôn mới phải là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Cập nhật ngày: 17/05/2014 05:28:24

“Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phải được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; phải đặc biệt quan tâm tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ngày 16/5, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương xây dựng nông thôn mới là chủ trương quan trọng, hết sức đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong 3 năm qua, cả nước đã đồng tình, tích cực triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực.

Nổi bật là nhận thức về Chương trình ngày càng được nâng lên trong các cấp ủy đảng, chính quyền, trong nhân dân; các cơ chế chính sách được ban hành kịp thời; bộ máy thực hiện Chương trình từ Trung ương đến cơ sở được tổ chức đồng bộ, thống nhất; công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng KTXH, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở địa bàn nông thôn có nhiều tiến bộ; nguồn lực đầu tư cho Chương trình ngày càng tăng lên; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; quyền làm chủ, vai trò làm chủ của nhân dân được nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở được vững mạnh lên; an ninh trật tự ở nông thôn được đảm bảo; đặc biệt, trong 3 năm qua, thu nhập của người nông dân đã tăng gấp gần 2 lần...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện Chương trình vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó nổi lên là: Để đạt được mục tiêu phấn đấu số xã đạt chuẩn NTM đến năm 2015 là 20% và đến năm 2020 là 50% đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn rất nhiều; nhận thức về ý nghĩa quan trọng của Chương trình ở nhiều cơ quan, đơn vị, trong nhân dân còn chưa sâu; việc tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện còn chưa quyết liệt, nhiều nơi làm chưa tốt; nguồn lực đầu tư còn hạn chế...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Chương trình xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí đã được đề ra chính là sự cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống nhân dân; bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục bám sát, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nội dung, giải pháp của Chương trình, trước hết là tập trung đưa khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất nông lâm thủy sản để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; từ đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp phải làm nhanh, khẩn trương, đặc biệt là trong lai tạo giống cây, con cho năng suất, chất lượng cao; đưa máy móc, công nghệ cơ giới hiện đại vào thâm canh, tưới tiêu...


Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, cần có các cách làm năng động, sáng tạo, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn như đầu tư làm công nghiệp, làm dịch vụ trên địa bàn nông thôn. Qua đó góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, chuyển dịch lao động trực tiếp làm nông nghiệp sang làm dịch vụ, làm công nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn. Tạo sự liên kết chặt chẽ, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cần đặc biệt quan tâm xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư khác vào nông thôn, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế, giáo dục, viễn thông... Lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho các chương trình xây dựng và phát triển KTXH ở các địa phương.

Quan tâm đến công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đào tạo nghề theo hướng, thứ nhất là trang bị kiến thức khoa học, công nghệ, cách làm để làm tốt hơn công việc đang làm, cụ thể là làm nông nghiệp; thứ 2 là đào tạo để chuyển sang làm ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn như làm công nghiệp, làm dịch vụ trên địa bàn.

Nhấn mạnh tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn còn cao, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần thực hiện tốt hơn nữa chương trình giảm nghèo ở nông thôn, hỗ trợ nông dân về vốn để tăng gia, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; nhân rộng các cách làm hay, mô hình tốt trong phát triển nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa tới chăm lo phát triển y tế, giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu vực nông thôn.

“Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phải được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; phải đặc biệt quan tâm tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Cuối cùng, đề cập đến các giải pháp thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần hết sức quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, có cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở các vùng khó khăn, có điểm xuất phát thấp; đẩy mạnh thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới; đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, điều hành, có kế hoạch hoạt động, phân công cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình; kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, sau Hội nghị, Văn phòng Chính phủ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp thu ý kiến của Hội nghị và hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị này nhằm tiếp tục thúc đẩy thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, toàn diện hơn nữa Chương trình xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

* Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Hoàng (Chinhphu.vn) –

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn