94% cơ sở y tế dùng căn cước công dân gắn chíp vào khám, chữa bệnh
Cập nhật ngày: 25/12/2022 10:58:59
Đến nay, ứng dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế trên toàn quốc.
Tối 24/12, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng (Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06, Bộ Công an) cho biết, qua 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06, đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao (như xác nhận Chứng minh nhân dân 9 số tỷ lệ 100%; thông báo lưu trú 98,3%...
Bên cạnh đó, thủ tục làm con dấu mới cũng đạt 90,8%; đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến đạt 93,1%, cấp hộ chiếu 62%....; hoàn thành 8/28 dịch vụ công. Riêng ngành công an đã cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, nhiều nội dung rất thiết thực được người dân đón nhận (cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư trú...).
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng C06 (Ảnh: ĐỖ TRUNG)
Hiện Bộ Công an đang triển khai thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí tại TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam (đã cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ và 6 trường thông tin bị trùng lặp, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết và giảm thời gian đi lại); người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cấp thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận tiện, khắc phục tình trạng không có sim điện thoại chính chủ.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí (riêng đối với việc đăng ký thi trực tuyến, đã tiết kiệm 50 tỷ đồng kinh phí mua hồ sơ, ảnh thẻ cho học sinh, sinh viên, cha mẹ không phải nghỉ làm để nộp hồ sơ; giảm thiểu áp lực với an toàn giao thông trong thời gian cao điểm), tiết kiệm nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần giảm tiếp xúc giữa người dân và cán bộ cơ quan Nhà nước, góp phần giảm “tham nhũng vặt”.
Đến nay, ứng dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế trên toàn quốc (đã tiết kiệm tiền in thẻ bảo hiểm y tế giấy là 24,7 tỷ đồng so với năm 2021); tích hợp thông tin thẻ ATM phục vụ rút tiền tại cây ATM (tiết kiệm chi phí in thẻ cho các tổ chức ngân hàng khoảng 50.000 đồng/thẻ), bảo đảm xác thực đảm bảo chính xác danh tính, phòng chống rủi ro, gian lận; đẩy mạnh các ứng dụng phục vụ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt...
Đến ngày 22/12, hệ thống cấp định danh điện tử đã thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký, phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân. Công tác cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã cấp trên 76,5 triệu thẻ cho công dân. Thẻ căn cước công dân cùng với tài khoản định danh điện tử đã mang lại nhiều tiện ích, giảm nhiều loại giấy tờ cho công dân, tạo nền tảng để triển khai các tiện ích về dịch vụ công và phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 35 địa phương. Tiếp nhận tổng 819,3 triệu yêu cầu tra cứu, xác thực, đồng bộ thông tin; trong đó 572,9 triệu yêu cầu có thông tin đúng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bên cạnh đó, đã hỗ trợ các đoàn thể xây dựng dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đến nay toàn quốc đã nhập thông tin của 1,7 triệu hội viên hội nông dân; hơn 516.000 hội viên hội người cao tuổi). Triển khai kết nối, làm sạch thông tin thuê bao di động của 3 nhà mạng viễn thông: Viettel, Mobifone, Vinaphone với 66,9 triệu yêu cầu đối sánh. Triển khai các giải pháp số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung (Số hoá dữ liệu hộ tịch điện tử tại Thái Nguyên được 1,1 triệu bản ghi hộ tịch đạt 100%, giảm thời gian từ 3 năm xuống 50 ngày, tiết kiệm được 18 tỷ đồng), đến nay có 4 bộ ngành đã triển khai số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung.
Trong năm 2022, Bộ Công an đã phân tích dữ liệu người tiêm vaccine, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phân luồng mũi tiêm, cân đối phục vụ điều tiết Vaccine không để tình trạng dư thừa, trục lợi, gây lãng phí...
Theo ĐỖ TRUNG (SGGPO)