Cán bộ cấp cao gương mẫu tác động tích cực đến việc chống tham nhũng

Cập nhật ngày: 28/11/2016 10:16:49

Sau Hội nghị T.Ư 4 khóa XII, có thể thấy rõ sự mẫu mực ở một số cán bộ cấp cao nhất, tạo ảnh hưởng tích cực đến việc phòng chống tham nhũng.

Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã nhấn mạnh phải kiểm soát quyền lực. Suy thoái đạo đức, tham nhũng cũng từ quyền lực mà ra. Nhưng thực tế không ai dám phê bình những người có quyền lực, khiến cho suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng trầm trọng.


Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng muốn kiểm soát quyền lực, chỉ cơ quan Nhà nước là không đủ mà phải có dân giám sát. Bác Hồ từng căn dặn lực lượng công an “Công an dẫu có năm, bảy vạn đi chăng nữa thì vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Phải làm sao có hàng chục triệu tai mắt, đôi bàn tay”.

Thoái hóa biến chất đã tích tụ trong 30 năm đổi mới

PVCó ý kiến cho rằng nếu không có những giải pháp sâu và quyết liệt hơn, quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII rất dễ bị quay trở về Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết hay nhưng khi thực hiện hiệu quả không cao. Ông có đồng tình với ý kiến này?

Ông Nguyễn Túc: Chúng ta phải biết rằng vấn đề thoái hóa biến chất, tham nhũng đã tích tụ từ đầu công cuộc đổi mới, khi chúng ta chấp nhận phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Đại hội VI, Đảng ta tiến hành đổi mới, đến Đại hội VII, Đảng đã nhận định có một số cán bộ có chức quyền thoái hóa biến chất; đến Đại hội VIII, Đảng xác định một bộ phận cán bộ đảng viên có chức quyền thoái hóa biến chất. Đến Đại hội IX, thì một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất. Đến Đại hội X, trong dự thảo Nghị quyết đã định bỏ cụm từ “không nhỏ”, nhưng bàn đi tính lại thấy rằng không thể bỏ được. Đến Đại hội XI, XII cụm từ “không nhỏ” vẫn chưa bỏ được. Như vậy có thể thấy Đảng ta nhìn thấy vấn đề thoái hóa biến chất đã tích tụ trong 30 năm đổi mới.

Tôi cho rằng quá trình triển khai Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta đã làm được rất nhiều việc, nhưng do tình trạng thoái hóa biến chất đã tích tụ nhiều năm khiến người ta có cảm giác những việc làm được so với những việc tồn đọng chưa nhiều.

Việc triển khai Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta đã báo động cho mọi người thấy rằng nạn tham nhũng, thoái hóa biến chất nhất định phải bị trừng phạt: Cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội lần thứ XII của Đảng; đã cảnh báo và thực hiện một loạt biện pháp ở các cấp, không ít cán bộ thoái hóa biến chất đã phải ra khỏi Đảng, bị xử lý về pháp luật… Tôi cho rằng, bước khởi đầu thời gian vừa qua đã cho thấy Đảng ta có sự cố gắng lớn, tuy chưa đạt được yêu cầu của người dân. Dư luận muốn phải làm nhanh, làm mạnh và cương quyết hơn nữa, đặc biệt phải làm từ trên xuống.

Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, chúng ta có thể thấy rõ sự mẫu mực ở một số cán bộ ở cấp cao nhất đang tạo sự ảnh hưởng tích cực đến cuộc vận động phòng chống tham nhũng.

PVNhư ông vừa nói, không phải chúng ta chưa làm được mà là làm chưa đạt yêu cầu, theo ông lý do nằm ở đâu?

Ông Nguyễn Túc: Tôi còn nhớ thế hệ chúng tôi ngày xưa cũng đã từng triển khai những Nghị quyết 72, 228 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chống tham nhũng, tuy nhiên khi tổng kết lại người ta vẫn nói “mới đánh từ vai trở xuống”. Dư luận người dân và đảng viên mong muốn phải làm từ trên xuống, yêu cầu cấp cao nhất phải mẫu mực, có vậy cấp dưới mới noi theo.

Việc làm của nhiều vị lãnh đạo cao nhất gần đây, đặc biệt là của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ví như việc Thủ tướng nhất định không đổi xe; hay chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố tham gia đoàn công tác địa phương của lãnh đạo Chính phủ không được đi quá 3 ô tô, Thứ trưởng trở xuống, các thành phần khác tham gia đoàn công tác đi xe chung do Văn phòng Chính phủ bố trí; Những việc làm, chỉ đạo đó của người đứng đầu Chính phủ tuy nhỏ nhưng có thể xem đó là biểu hiện của việc học tập và làm theo Bác Hồ.

Người dân mong các vị lãnh đạo chủ chốt cao nhất đều làm như vậy, khi đó cấp dưới không bảo cũng phải noi theo.

Tôi nhớ, thời xưa, 23 cán bộ thuộc Bộ Chính trị và hưởng tiêu chuẩn Bộ Chính trị như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt… họ sống rất mẫu mực, tiêu chuẩn Nhà nước dành cho các vị này, vợ con họ không được đụng tới. Có những vị thuộc Bộ Chính trị tiêu chuẩn được hưởng 8kg thịt, không sử dụng hết trả lại Nhà nước… Những việc làm đó đã có sự tác động rất lớn đến dư luận xã hội lúc bấy giờ.

Tuy xã hội hiện nay đã khác nhiều so với trước kia, nhưng theo tôi, cán bộ lãnh đạo, đảng viên vẫn nên học theo cách sống của Bác Hồ để làm gương cho cấp dưới, để dân trông vào. Dư luận bức xúc là bởi nhiều cán bộ sử dụng của công vào việc riêng quá thoải mái, trong khi đất nước còn nghèo. Mỗi xã hội có quy luật riêng của nó, thời chiến hay thời bình đều có quy luật riêng. Quy luật thời chiến tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng, cái tôi nhỏ bé phải phục tùng cái ta. Nhưng đến xã hội hiện nay, nếu không giải quyết hài hòa cái tôi và cái ta đất nước sẽ không phát triển được.

Gốc rễ của vấn đề thoái hóa biến chất xuất phát từ việc một số lãnh đạo có chức quyền đã đặt cái tôi lên trên cái ta, dùng cái ta để phục vụ cho lợi ích của cái tôi. Đây chính là hậu quả từ việc phát triển kinh tế nhiều thành phần, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động rất lớn. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không giữ được phẩm chất của người cộng sản lo cho dân trước khi lo cho mình, nên người dân mới bức xúc, cán bộ đảng viên trong sạch mới phản ứng.

Đúng là hiện nay mặc dù Đảng đã làm được nhiều nhưng chưa được như yêu cầu, nên người dân có cảm giác như chưa làm được mấy. Vì vậy, quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và rộng hơn nữa mới hy vọng đạt hiệu quả.

Chấp nhận loại bỏ “ung nhọt” để cả “cơ thể” được khỏe mạnh

PVMột trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đạt hiệu quả chưa cao là do chúng ta nói nhiều mà làm chưa được nhiều. Ông có suy nghĩ gì về nhận xét này?

Ông Nguyễn Túc: Tôi đồng tình với nhận xét cho rằng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI làm được nhiều việc nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, và nhiều việc thì nói nhiều nhưng làm chưa được bao nhiêu, thậm chí có những việc nói mà không làm. Đấy chính là cản trở làm cho người dân, làm cho đảng viên băn khoăn. Cũng có thể do hoàn cảnh khách quan nhưng chủ yếu vẫn do bộ phận chỉ đạo.

Người ta bị vài nốt ghẻ nếu chữa nhanh, kịp thời nó sẽ không lan ra. Nói như vậy để thấy nếu không có biện pháp cực mạnh sẽ không thể sửa được. Theo tôi cần phải có hành động quyết liệt, phải làm mạnh, làm rộng trên cơ sở có thí điểm và làm đến nơi đến chốn, chứ không ngại không có người làm việc vì từng có ý kiến nói rằng kỷ luật cán bộ rồi thì lấy ai làm việc. Tôi không tin điều đó. Dân trí và nhận thức chính trị của người dân bây giờ rất cao, chưa nói tới đội ngũ cán bộ, Đảng ta không thiếu những cán bộ đảng viên trong sáng, mẫu mực và có trình độ. Chúng ta cần chấp nhận để mất một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái để cả “cơ thể” được khỏe mạnh.

PVNhững nhận diện của Đảng về những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên được đánh giá là khá căn cơ. Theo ông cần có giải pháp gì để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này?

Ông Nguyễn Túc: Theo tôi, kỳ này Trung ương đã hệ thống hóa lại những biểu hiện về tự chuyển hóa tự diễn biến; hệ thống hóa và cụ thể hóa những biểu hiện về thoái hóa biến chất. Cơ bản là đủ.

Tại Đại hội VII, Trung ương nhận định có một số cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất tập trung ở các lĩnh vực hải quan, công an, thuế vụ; đến Đại hội VIII lan sang tài chính, ngân hàng, đất đai; ở Đại hội IX lên đến cả trung ương, văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát, Tòa án đều có cán bộ thoái hóa; đến Đại hội X nó đã lan ra rộng hơn. Với thực trạng đó, cần phải cụ thể hóa, chỉ mặt chỉ tên, nhưng nếu không làm quyết liệt, trọng tâm trọng điểm và nghiêm minh thì rất dễ bị rơi vào tình trạng mất phương hướng, người ta vẫn gọi là “đánh trống bỏ dùi”.

Ở Nghị quyết TƯ 4 kỳ này, Tổng Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo. Nhưng để giúp Tổng Bí thư, ngoài 6 vụ án trọng điểm được đưa ra xét xử từ nay đến hết quý I/2017 Trung ương cần làm thêm một số vụ ở cấp tỉnh để nó tạo ra một phong trào có sức lan tỏa. Nếu chỉ làm một số vụ án lớn ở Trung ương, dưới địa phương người ta nghĩ rằng tham nhũng chỉ xảy ra ở trên. Nếu đưa một số vụ án ở cấp tỉnh ra xét xử song song với những vụ án trọng điểm ở Trung ương sẽ tạo ra một không khí hồ hởi phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, để người dân biết rằng trung ương đang làm thật, chứ không làm cho có, góp phần cảnh báo những cá nhân còn tư tưởng tham nhũng, thoái hóa biến chất, xa dân phải tự răn mình. Những người đã “nhúng tràm” sẽ phải tự giác khai báo. Nhiều nước, trong đó có Trung Quốc đã thực hiện cách làm này, họ diệt cả hổ lẫn ruồi.

Mình có thể rút ra kinh nghiệm từ cách làm này, làm ở cả Trung ương lẫn địa phương, đánh từ dưới lên từ trên xuống, không để chỗ cho các đối tượng tham nhũng tồn tại.

Phải khơi dậy được sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân

PVThực tế cho thấy không ai dám phê bình những người có quyền lực, khiến cho suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng trầm trọng. Theo ông, giải pháp nào có thể kiểm soát được quyền lực?

Ông Nguyễn Túc: Nói trên Đài, viết trên báo để phê phán tham nhũng đa phần là lớp cán bộ, đảng viên đã về hưu. Muốn kiểm soát quyền lực, chỉ cơ quan Nhà nước là không đủ mà phải có dân giám sát. Tôi nhớ Bác Hồ từng căn dặn lực lượng công an “Công an dẫu có năm, bảy vạn đi chăng nữa thì vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Phải làm sao có hàng chục triệu tai mắt, đôi bàn tay”.

Công cuộc chống tham nhũng chúng ta chưa huy động được sức mạnh của dân. Các Bộ trưởng Công an từ thời ông Mai Chí Thọ, Bùi Thiện Ngộ, đến ông Lê Minh Hương đều khẳng định 93-95% những vụ án lớn đều do dân phát hiện, sau đó các nhà báo vào cuộc đưa ra ánh sáng, khi đó công an mới vào cuộc điều tra.

Tôi đã từng nói về vấn đề này nhiều lần, do chúng ta chưa huy động được sức dân. Nếu phát động được người dân tham gia vào công cuộc chống tham nhũng, chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều. Tham nhũng rồi lại mang về địa bàn dân cư nơi mình ở. Những thay đổi của họ ở khu dân cư không thể qua mắt được người dân.

Tôi cho rằng, điểm yếu nhất của chúng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo là không khơi dậy được sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân, nếu làm được điều này thì những tiêu cực trong dân cũng được hạn chế.

Tóm lại cần chú ý 3 điểm: Thứ nhất, lãnh đạo các cấp phải làm gương, thực hiện đúng. Thứ hai, phải có cơ chế để giám sát. Thứ ba, phải huy động được người dân vào cuộc, khơi dậy được sức mạnh, lòng yêu nước của nhân dân cũng như sự bất bình của dân trước sự thoái hóa biến chất hiện nay vào cuộc. Kết hợp cả 3 yếu tố trên tạo sức mạnh tổng hợp mới giải quyết được.

PVXin cảm ơn ông.

Hà Thanh-Minh Hòa/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn