Lái xe sau khi uống rượu bia có thể bị phạt đến 18 triệu đồng
Cập nhật ngày: 31/05/2016 08:03:27
Áp dụng cho người điều khiển xe ô tô trên đường có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Nhằm khắc phục những bất cập về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP với mức phạt nặng hơn nhằm tăng tính răn đe, giáo dục, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Lái xe trên đường có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép sẽ bị phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng. (Ảnh minh họa: KT)
Theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng, tăng so với mức mức phạt 10-15 triệu đồng theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP.
Trong trường hợp người điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn và chất ma túy của người thi hành công vụ cũng bị áp dụng mức phạt như trên.
Người điều khiển xe ô tô dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường sẽ bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng – đây là quy định mới được bổ sung tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP mới được ban hành.
Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng, hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng nếu không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe. Vi phạm này trước đây theo nghị định số 171/2013/NĐ-CP chỉ bị phạt từ 8-10 triệu đồng.
Để tăng cường tính ngăn ngừa, phòng tránh tai nạn giao thông, Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng tăng mức phạt đối với nhóm người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
Theo đó, người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Trước đó mức phạt đối với hành vi này chỉ ở mức 60.000 - 80.000 đồng.
Trong trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ; chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật cũng bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.
Ngoài các chức danh có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo quy định, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuần kiểm có quyền lập biên bản đối với các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, lấn chiếm sử dụng trái phép đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường bộ. Công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương.
Công chức thuộc Thanh tra Sở GTVT đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của Thanh tra Sở GTVT…
Nguyễn Quỳnh/VOV